Nỗi băn khoăn ấy ám ảnh đến nỗi tôi đã làm tranh hoa lá ép với tựa đề “Cung đàn không dành cho Từ Hải”. Đã có tranh an ủi tôi, nhưng chỉ là thoáng chốc, tôi lại vẫn muốn đi tìm câu trả lời, dù biết rằng chỉ để hiểu hơn nhà thơ lớn họ Nguyễn mà thôi.
Như thể trời để dành cho nhau
Nói như nhà thơ Chế Lan Viên (từ năm 1986 trong bài thơ Kỷ niệm Nguyễn Du):
“Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn
Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng
Ông đã hóa mây trắng ngang trời hoài niệm
Hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông”
Thúy Kiều là người rất thủy chung, luôn thao thiết mối tình đầu sáng trong đầy ước vọng, luôn cảm thấy mình là kẻ phụ tình, có phải vì nỗi thương nhớ Kim Trọng mãi không nguôi ấy… (“Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này…”) mà Thúy Kiều đã không một lần nghĩ đến chuyện đàn cho Từ Hải nghe chăng? Cũng có thể…
Mối tình thứ hai đến khi Kiều đã phải đau đớn ê chề nơi lầu xanh: “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Thúc Sinh ban đầu đến với Kiều như một khách làng chơi, dần dần yêu mến, rồi đắm đuối, say mê Kiều đến mức “Trăm nghìn đổ một trận cười như không” và mối tình Thúc Sinh - Thúy Kiều cũng đã đến gần mơ ước “Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”.
Mối tình thứ hai luôn cho Kiều nhiều trạng thái đối nghịch trộn lẫn vào nhau: Có hạnh phúc xen nhiều lo âu; có ý thức tự chủ trong ứng xử lại vừa có phần thụ động thủ phận; là vợ nhưng là vợ lẽ; là vợ lẽ nhưng chưa chính thức được chấp nhận,… Những điều đó làm nên sự tổn thương day dứt trong lòng Kiều.
Từ Hải là anh hùng đó, nhưng chưa bao giờ dùng quyền lực hoặc ân nghĩa để buộc Kiều phải nhất nhất tuân theo, luôn để cho Kiều một khoảng trời tự do, tự quyết định, từ lần đầu gặp nhau cho đến lúc giúp Kiều báo ân báo oán, rồi để nàng “cũng dự quân trung luận bàn”…
Có phải vì bị Hoạn Thư hành hạ, dày vò tàn nhẫn, buộc Kiều hầu đàn bằng trái tim tan nát “Bốn dây như khóc như than”… và Thúc Sinh dù “Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương” (không phải là lệ mà là máu), nhưng cuối cùng đành phải nói lời tạ từ Kiều một cách tuyệt tình “Liệu mà cao chạy xa bay”… nên Thúy Kiều không bao giờ muốn nâng đàn gảy phím hiến tặng cho người tình thứ ba một giai khúc nào nữa chăng? Rất có thể…
Nguyễn Du để Từ Hải đến với Kiều, trước sau như một ánh sao băng: “Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi”. Người khách biên đình đến với Kiều bằng tất cả tấm chân tình: “Từ rằng: Tâm phúc tương cờ/Phải người trăng gió vật vờ hay sao?” và hỏi Kiều rất bộc trực: “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ mMắt xanh chẳng để ai vào, có không?”. Như tiếng sét ái tình, không nhiều lời, trong phút chốc Từ Hải và Thúy Kiều trở thành một đôi “ý hợp tâm đầu”, “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”.
Có vẻ, họ là đôi tri âm tri kỷ như thể trời để dành cho nhau. Đưa Kiều ra khỏi lầu xanh, gột năm tháng gió sương đời Kiều, “Nửa năm hương lửa đương nồng”, Từ Hải quyết dứt áo ra đi vì nghiệp lớn.
Nàng Kiều - người vợ rất nữ tính, rất nền nã và cũng rất chiều chồng, một lòng xin đi theo để nâng khăn sửa túi cho chồng trên những dặm xa… Từ Hải lại một lần nữa chân thành nhắc nhớ: “Tâm phúc tương tri” (như lần đầu “Tâm phúc tương cờ”; lòng dạ hứa hẹn với nhau, chúng ta biết nhau từ trong thâm tâm, biết rõ bụng dạ của nhau), vậy nên câu hỏi tu từ lúc chia tay Từ Hải dành cho Kiều thật ý nghĩa: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”.
Không để nàng đi theo vì nhiều lẽ, nhưng lý lẽ này cho thấy tự trong thâm tâm, Từ Hải muốn nàng phải thoát ly thói thường tình nhi nữ, phải nâng mình lên ngôi cao hơn trước, phải khác trước, phải mới hoàn toàn, toàn tâm toàn ý là phu nhân của mình, một người “Một tay gây dựng cơ đồ”, “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”,…
Và ai cũng dễ thấy rằng Từ Hải rất yêu Kiều, một tình yêu trong và đẹp, hơn cả chàng trai trong “Love Story” (tiểu thuyết của phương Tây, 1970): “Love means never having to say you’re sorry” (yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc).
Yêu Kiều nên Từ Hải đã rất hạnh phúc bên Kiều: “Cùng nhau trông mặt cả cười/Giang tay về chốn trướng mai tự tình”; rất thương cảm nỗi niềm canh cánh của Kiều : “Xót nàng còn chút song thân/Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa/Sao cho muôn dặm một nhà/Cho người thấy mặt là ta cam lòng” và đã cho bộ hạ lập đàn giải oan cho Kiều...
Yêu Kiều nên dù Từ Hải rất đỗi phân vân: “Bó thân về với triều đình/Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?/Áo xiêm buộc trói lấy nhau/Vào luồn ra cúi công hầu mà chi! Sao bằng riêng một biên thùy/Sức này đã dễ làm gì được nhau” mà vẫn gạt đi vì “Nghe lời nàng nói mặn mà/Thế công, Từ mới đổi ra thế hàng”, để cuối cùng rơi vào bẫy của tên quan đầu triều mặt sắt đen sì (bấu vào váy phụ nữ để hạ sát người anh hùng) chết đứng giữa trận tiền…
Có thể… có thể…
Tranh: Ngọc Mai. |
Theo đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: “Tiếng đàn là một ngôn ngữ đặc biệt biểu hiện trực tiếp tâm trạng nạn nhân của Kiều. Cảm hứng bi kịch thích hợp với tiếng đàn nên Từ Hải không được nghe đàn lần nào mặc dù Từ là tri âm tri kỷ.
Sống với Từ Hải phần nạn nhân trong tâm hồn Kiều coi như bị tiêu vong nên khúc “Bạc mệnh” kia không còn lý do tồn tại. Từ Hải chết, con người nạn nhân trong Kiều sống lại dữ dội nên tiếng đàn cũng ùa trở về với một sắc thái bi thảm chưa từng thấy”. Cũng có thể…
Theo nhà giáo, nhà thơ, nhà phê bình Mai Văn Hoan thì: “Việc Nguyễn Du không lần nào tả nàng Kiều đàn cho Từ Hải nghe chắc cũng có lý do của nó. Phải chăng vì Từ không phải là một Chung Tử Kỳ? Từ Hải là ân nhân hơn là người tri kỷ của Kiều”. Cũng có thể…
Nhưng còn nhiều hơn là thế, sao chúng ta không nghĩ: Có thể vì yêu nên Từ Hải tôn trọng Kiều, muốn Kiều tự nguyện đàn cho mình nghe chứ không hề cất lời mong muốn chăng…
Tranh: Ngọc Mai. |
Và làm sao trong một thời gian ngắn ngủi, đủ cho Kiều xóa đi nỗi buồn ly biệt, nỗi đau triền miên dằng dặc xé nát tâm can, để tạo nên một khúc ca mới. Chưa kể Kiều là người thật sự táo bạo (- Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình…/ - Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa), luôn khát khao một tình yêu tự do, một tình yêu đích thực.
Trên hành trình “Canh khuya thân gái dặm trường” lưu lạc đầy chông gai, đủ chua cay mặn chát, thừa đớn đau quằn quại, Kiều vẫn “Một mình, mình biết, một mình, mình hay”, nên vẫn là chính mình khi không muốn đàn lại bản đàn từng dành cho người tình đầu, càng không muốn làm gợn lòng người chồng đã thật sự giải phóng mình ra khỏi lầu xanh và khai phóng cho mình được thăng hoa, được mở phiên tòa công lý, được nở nụ cười trọn vẹn hạnh phúc (hiếm hoi duy nhất giữa biển nước mắt mênh mông của “Truyện Kiều”), được cùng chồng bàn luận việc quân, được và được, hình như Kiều được nhận nhiều yêu thương từ người chồng khá lý tưởng… mà Kiều chưa thể phổ bản đàn mới dành cho Từ Hải nên còn ấp ủ trong lòng chăng?
Có thể, Nguyễn Du đã cùng khóc với Kiều (quá nhiều, có thể gom thành một từ điển nhỏ về nước mắt), đã ít nhất tự bao dung, tự mơ ước, cùng hai nhân vật yêu mến của mình: Cười lớn, cười to, cười hạnh phúc (“cả cười”, chỉ một lần duy nhất ở giữa tác phẩm).
Nhưng Nguyễn Du phải đi tận cùng nỗi đau với Kiều, với những mảnh đời tài hoa mà bạc mệnh trong cõi người ta thời Nguyễn sống, nên “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đã khiến Nguyễn Du không thể bay theo cùng lý tưởng mà phải trở về với hiện thực, không thể nhạc hóa, bình yên hóa tâm hồn mình, nên đã không thể sáng tạo giai điệu nào hơn cho Thúy Kiều tặng riêng Từ Hải chăng?
Có thể… và có thể… chúng ta chưa hiểu hết ẩn tình, ẩn ý và cả những uyển ngữ từ trái tim nghệ sĩ lớn Nguyễn Du.
Duy nhất có một điều làm ấm áp lòng người, ấy là Nguyễn Du trước sau như một, luôn trọng vọng đặt lên hàng đầu một chữ Tâm (“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”), nên cuối cùng, kết thúc Truyện Kiều - kết thúc 15 năm lưu lạc, Nguyễn Du cũng đã cho Kiều đàn một bản tái ngộ vui vầy bên người tình đầu thủy chung yêu Kiều (với một quan niệm từ ái, bao dung, khai phóng), bên người em vô tư mà không vô tâm Thúy Vân (tế nhị mở lời đầu tiên gỡ rối… trong ngày đoàn tụ), bên đại gia đình Kiều hằng nhớ mong gặp lại (đã đón Kiều trong vòng tay tròn đầy yêu thương trìu mến),.... “Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào/Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?/Tẻ vui bởi tại lòng này/Hay là khổ tận, đến ngày cam lai?”.
Nguyễn Du không đơn giản tí nào, khi vẫn để cho câu hỏi tu từ “Hay là…” quyện vào cách chơi chữ đầy tin yêu - hướng đến niềm vui đoàn tụ quý giá (sau chia lìa, tan tác, bão tố, hoen ố, lấm láp bụi trần,…) có thể thật sự hiện hữu trong tương lai, bởi ngọt ngào “cam lai” chỉ đến khi mọi người hiểu Kiều, yêu Kiều, yêu một trong những người phụ nữ Việt Nam (rất truyền thống mà cũng rất hiện đại) sống rất trong sáng, hiếu hạnh, nhân văn và tự do.
Đọc “Truyện Kiều”, nhiều người đã đi tìm: “Tình yêu…”, “Chữ Tình trong Truyện Kiều” (Nguyễn Ngọc Quận, Hà Thúc Hoan,…), “Những mối tình và những người tình của Thúy Kiều” (Trần Văn Dật, Hoàng Phủ Ngọc Phan,…), “Những cung bậc tình yêu trong Truyện Kiều” (Phùng Hồng Kổn,…), “Âm nhạc trong Truyện Kiều”, “Những lần Kiều đánh đàn” (Trần Văn Khê, Nguyễn Văn Thụy, Đào Thái Sơn,…), “Những lần Kiều ra đi trong đêm” (Hà Thị Loan), “Ai là người tri kỷ của nàng Kiều” (Mai Văn Hoan), “Tiếng đàn của Kiều và những tri âm” (Đỗ Minh Tuấn)… cả “Nụ cười của Kiều” cũng được phân tích thật hay bởi một người khi viết còn rất trẻ (Hồ Thị Huệ),…