Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời

GD&TĐ - Câu chuyện cổ tích thời hiện đại lại một lần nữa được sống dậy bằng những chia sẻ chân thành của nhà báo Trần Mai Anh - người mẹ đặc biệt của “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân tại buổi tọa đàm “Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời” tại Công viên Thống Nhất trong Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 3. 

Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời

Những kỷ niệm, phương pháp trong quá trình “Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời” của chị đã để lại nhiều ấn tượng và là những kinh nghiệm bổ ích cho mỗi bậc phụ huynh.

Cho con đối diện với sự thật

Cách đây gần 10 năm, dư luận cả nước xót xa khi báo chí đưa tin một em bé sơ sinh bị bỏ rơi trong vườn hoang với những vết thương đầy trên mình. Em là Thiện Nhân – cậu bé được những người yêu thương em, trìu mến gọi là “chú lính chì dũng cảm”.

Trải qua thời gian, “chú lính chì” Thiện Nhân đã lớn lên trong tình yêu thương của gia đình mẹ Mai Anh. Thời gian qua, có hàng triệu người Việt Nam dõi theo Thiện Nhân, dõi theo quá trình dũng cảm đương đầu với số phận của em. Nhưng để giúp Thiện Nhân vượt qua những khó khăn đầu đời của mình – những “mặc cảm về thân phận, về sự khiếm khuyết” hay sự “thiếu cảm thông của xã hội” là cả một sự kiên trì, cố gắng rất lớn của chị Trần Mai Anh.

Trong buổi tọa đàm, chị Trần Mai Anh đã cho biết, trong ba đứa con, với chị, Thiện Nhân là đứa con rất đặc biệt. Vì chị không sinh ra em nhưng gần 10 năm trời, thời gian chị bên Nhân trong những lần phẫu thuật đã gắn kết hai mẹ con bằng những cung bậc cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.

“Tôi luôn dạy con đối diện với sự thật, có thể có những điều xì xào từ nhiều người chưa hiểu nhưng điều đó không là vấn đề phải quan tâm. Việc của ai người đó làm, xác định mọi thứ thật bình thường và đơn giản sẽ thấy thoải mái. Tôi vẫn nói với con về chuyện cháu chỉ có 1 chân, còn nếu ai nói con có 2 chân thì mới là chuyện phải bàn. Với nhiều người cũng vậy, khi nhận con nuôi rất vui nhưng đến khi nói ra sự thật với con lại vô cùng căng thẳng. Có gì hơn là nói sự thật với bé, con nuôi hay con đẻ không quan trọng, cốt yếu là ai nuôi, ở với ai và tình thương như thế nào”, chị Mai Anh chia sẻ.

Không bao bọc con quá

Theo chị, có nhiều cha mẹ thường cố gắng bao bọc con trong một môi trường ngọt ngào, an toàn và vô trùng. Nhưng trên đời này đâu thể có một nút bấm, để mình tác động được đến mọi môi trường xung quanh? Vì vậy, trong gia đình, đừng bao giờ bao bọc con quá. Hãy để con có được sức đề kháng ngay từ trong gia đình, như vậy, đến khi ra ngoài, với nhà trường, xã hội, con sẽ có sự mạnh mẽ cần thiết, con biết về tất cả những gì đang diễn ra ở ngoài kia không chỉ có điều tốt, mà còn có cả những góc khuất.

“Quan trọng nữa là tập cho các cháu tính tự lập. Từ khi Nhân còn bé, tôi luôn dạy cho cháu hiểu rằng, ốm đau, bệnh tật hay tàn tật là chuyện bình thường. Mỗi người trong cuộc đời có thể phải đón nhận những điều như mình không mong muốn về sức khỏe, gia đình… nhưng đó là yếu tố của cuộc sống như buồn và vui mà thôi” – chị Mai Anh nhấn mạnh.

Không tạo áp lực học tập bằng điểm số

Theo chị Mai Anh, gia đình chị quan niệm không tạo áp lực với các cháu về điểm số. Điểm cao là thể hiện năng lực của con nhưng không phải vì thế mà khiến việc học trở nên nặng nề. Quan trọng là hướng cho con việc tự học, tự chủ ngồi vào bàn, có thái độ lo lắng chăm chút để làm bài tập khi có. Mỗi khi có bài toán khó, chị để các cháu tự suy nghĩ đến lúc nào tìm ra đáp án mới thôi. Nếu suy nghĩ và tìm mọi cách giải mà không ra, chị cũng không hướng dẫn mà để cháu đến lớp hỏi bạn bè hoặc thầy cô. Chị không khuyến khích con phấn đấu đạt điểm cao bằng mọi cách mà điều quan trọng là chị muốn các con mình phải có ý thức về sự học.

Nguyên tắc đặt ra trong gia đình chị, mỗi người có một công việc riêng, một vai trò và nghĩa vụ riêng. Mẹ có công việc của mẹ và mẹ phải làm việc để nuôi các con khi các con còn nhỏ. Các con có nhiệm vụ học tập và phải cố gắng làm tốt điều đó. Theo chị, mỗi bậc cha mẹ hãy là người bạn thân thiết của con, hãy lắng nghe những vấn đề của trẻ và cùng các em vượt qua những khó khăn đầu đời.

Thông qua câu chuyện của nhà báo Trần Mai Anh và con trai, trong buổi tọa đàm “Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời”, DinhtiBooks muốn gửi đi thông điệp: “Bất kỳ đứa trẻ nào, dù không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như Thiện Nhân, cũng đều có thể gặp phải những khó khăn đầu đời của riêng mình. Điều quan trọng là, cha mẹ phải có cách thức đúng đắn để nhận biết, đối diện và đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn ấy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ