Cùng con vào lớp 1, phụ huynh nên làm gì?

GD&TĐ - Con sắp vào lớp 1, nhiều phụ huynh có tâm lý cho học trước chương trình. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng không nên học trước, như vậy vào năm học con sẽ không hứng thú với bài giảng trên lớp.

Giờ học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phú Riềng An (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).
Giờ học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phú Riềng An (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).

Dạy con làm quen với môi trường mới

Trước đây, khi con trai đầu chuẩn bị vào lớp 1, chị Nguyễn Thị Mai Thúy (40 tuổi, ở Thái Bình) quyết định cho con đi học tiền lớp 1 nhằm giảm áp lực vào năm học. Bước vào lớp 1, con chị Thúy thành thạo việc cầm bút, viết chữ và tính toán khá nhanh. “Tuy nhiên, với tâm lý đã học trước nên trong lúc cô giáo giảng bài trên lớp không chú ý, luôn làm việc riêng, nói chuyện. Nhiều hôm cô nhắc nhở”, chị Thúy chia sẻ.

Rút kinh nghiệm, đứa thứ 2 trong kỳ nghỉ hè mỗi ngày chị Thúy hướng dẫn con vào bàn học ngồi một tiếng. Trong 1 tiếng đó chị cho con lựa chọn: vẽ, tô màu, hay học bảng chữ cái… miễn sao con ngồi vào bàn học.

Cô giáo Trương Thị Sáu, giáo viên Trường Tiểu học Phú Riềng An (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cùng học sinh của mình.
Cô giáo Trương Thị Sáu, giáo viên Trường Tiểu học Phú Riềng An (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cùng học sinh của mình.

“Ngày nào cũng vậy, sau hai tuần con gái mình tự giác vào bàn học. Bên cạnh đó, mình kể cho con về ngôi trường mới, những điều thú vị đang chờ đợi con ở đó để con thấy hứng thú với cấp học mới”, chị Thúy nói.

Còn theo chị Nguyễn Thị Huyền (Can Lộc – Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ngay sau khi nghỉ hè, mình có tham khảo cô giáo lớp 1 về cách rèn thói quen cho con trước khi vào lớp 1 cô đặc biệt lưu ý không cho con học trước chương trình bởi lẽ trẻ con có thói quen thích khám phá cái mới nếu học trước con sẽ không hứng thú khám phá lại”.

Để dạy con quen với cách cầm bút, tư thế ngồi học mỗi ngày, chị Huyền yêu cầu con tập viết 1 trang giấy. Buổi tối, sau khi ăn cơm chị cùng con vào bàn ngồi học. “Lúc này mình cho lựa chọn tô màu, vẽ học học bảng chữ cái…. Và cứ thế, mỗi tối đến giờ con tự giác vào bàn ngồi học”, chị Huyền nói.

Không cho con học trước chương trình

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, việc cho con đi học tiền lớp 1 cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, tiền lớp 1 không có nghĩa là cho học trước chương trình trong sách giáo khoa. Tiền lớp 1 là hướng dẫn giúp cho trẻ làm quen với cách cầm bút, tính tự lập, cách sử dụng sách giáo khoa, vở, biết tô hoặc viết các nét cơ bản. Như vậy, khi vào học chính thức sẽ giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên, phụ huynh và chính học sinh.

Theo chia sẻ của cô giáo Trương Thị Sáu, giáo viên trường Tiểu học Phú Riềng A (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước): “Hiện nay, nhiều phụ huynh đang hiểu sai việc học tiền lớp 1, dẫn đến cho con học trước kiến thức trong chương trình. Theo đó, khi vào học chính thức học sinh sẽ chán học, không hứng thú, mất tập trung và ỷ lại mà không nghe cô giáo giảng”.

Cô Hoàng Thị Thưu cùng lớp học ghép ở Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Cô Hoàng Thị Thưu cùng lớp học ghép ở Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo cô Sáu, chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1, thứ quan trọng nhất là tư tưởng, tâm lý. Ngay từ năm cuối mẫu giáo, phụ huynh nên phối hợp với cô giáo tập cho con một số thói quen, nề nếp như: chủ động về giờ giấc, sinh hoạt, các quy tắc trong giao tiếp. “Đặc biệt rèn cho con tính tự lập, như vậy sau khi vào lớp 1 con sẽ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới”, cô Sáu nhấn mạnh.

Những tháng đầu tiên của năm học lớp 1, học sinh vẫn có tâm lý như học ở mầm non vừa học vừa chơi, do đó đòi hỏi giáo viên trong quá trình dạy áp dụng phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học", truyền đạt kiến thức cho các em thông qua câu chuyện, hình ảnh, kinh nghiệm sống một cách nhẹ nhàng, sinh động và gần gũi, giúp các em không áp lực và không có tư tưởng "sợ học".

“Giai đoạn này, sự phối hợp của phụ huynh với giáo viên có vai trò hết sức quan trọng. Tuyệt đối không so sánh, chỉ động viên, khuyến khích, khen thưởng và nêu gương trong suốt quá trình giáo dục. Đưa ra yêu cầu phù hợp với khả năng của từng em, để các em cảm thấy tự tin trong học tập. Có như vậy trẻ sẽ vượt qua một cách rất thoải mái”, cô Sáu chia sẻ.

Với 26 năm dạy tiểu học, cô Hoàng Thị Thưu, giáo viên Trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trong mùa hè, phụ huynh nên tạo thói quen cho con dậy sớm, tự vệ sinh cá nhân...,  như vậy khi vào năm học con đã có thói quen đó, không bị chậm giờ học. Đồng thời, phụ huynh có thể đưa con đi thăm quan trường học mới”.

Bản thân là cô giáo dạy ở trường miền núi, học sinh của cô đa phần là học sinh đồng bào dân tộc ít người, nhiều phụ huynh không chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng đầu cấp cho con, phó mặc hết cho giáo viên, nhà trường. Vì vậy trước khi vào năm học mới, giáo viên trực tiếp dạy phải đến nhà vận động, tư vấn, kiểm tra học sinh chuẩn bị đủ dụng cụ học tập, sách vở. Giới thiệu về trường, lớp, thầy cô mà các em chuẩn bị vào học. “Đặc biệt, chúng tôi hướng dẫn phụ huynh thức học sinh dậy sớm, vệ sinh cá nhân, ăn sáng đến lớp đúng giờ”, cô Thưu chia sẻ.

Theo nhiều giáo viên tiểu học, lớp 1 là lớp rất quan trọng, đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình học của con, do đó rất cần sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để đồng hành cùng con vượt qua những khủng hoảng đầu cấp một cách nhẹ nhàng, tạo sự hứng thú cho con khi đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.