Cùng con học tại nhà: Không phải là gánh nặng!

GD&TĐ - Năm học mới bắt đầu. Thế hệ trẻ bước lên một nấc thang mới trong cuộc đời cắp sách đến trường của mình. Và với người làm mẹ làm cha, niềm hy vọng dâng lên cùng với chờ mong một tương lai tươi sáng đến với con mình.

Cùng con học tại nhà: Không phải là gánh nặng!

Nỗi chờ mong cứ phấp phổng ây là làm sao con mình được lên lớp, được tốt nghiệp, được vào trường chuyên nghiệp, được vào trường đại học. Nhiều gia đình lo đến mất ăn mất ngủ vì con!

Một câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để việc học của con không trở thành gánh nặng thường xuyên đè lên vai cha mẹ?

Để trả lời câu hỏi này, xin các bậc cha mẹ hãy xem xét đến bản chất của việc học tập. Không phải đứa trẻ nào bước vào cổng trường để học tập, rồi đến khi từ cổng trường bước ra tất cả đều có tầm vóc như nhau. Sự khác biệt đó ở đâu?

Chúng ta thấy đi trong cuộc đời này, tất cả mọi con người đều phải tích lũy. Hai gia đình ở cạnh nhau, chỉ một thời gian sau, giữa họ có sự khác biệt, đó là do khả năng tích lũy khác nhau.

Đối với đứa trẻ cũng vậy, từ khi vào trường cho đến khi vào đời sự tích lũy của các em khác nhau nên tầm vóc các em khác nhau là lẽ đương nhiên. Ngay sau từng tiết học, năng lực tích lũy của từng em khác nhau, thế là có sự khác biệt.

Đối với việc học tập, trẻ em bắt buộc phải tích lũy kiến thức và tích lũy phương pháp tư duy. Điều đặc biệt là hai yếu tố này cha mẹ không thể làm thay con mình được. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em sẽ tích lũy kiến thức và phương pháp tư duy. Những cha mẹ có trách nhiệm giúp các em hình thành ý thức tích lũy kiến thức và ý thức tích lũy phương pháp tư duy.

Để đứa trẻ đạt được điều đó, các em phải hình thành thói quen :

Làm chủ kế hoạch học tập

Làm chủ thời gian học tập

Làm chủ phương pháp học tập

Khi đứa trẻ hình thành ba thói quen này, việc học tập trở thành niềm vui mỗi khi đến trường. Nó tin rằng sau mỗi buổi học sự hiểu biết của nó được mở mang, bàn tay của nó có thêm sức mạnh, tâm hồn thêm phong phú.

Nhưng không ít cha mẹ do mải mê lo toan cuộc sống, phó mặc con cho nhà trường. Đến khi thấy con mình có nguy cơ bị “tụt lớp” mới vội vàng “chữa cháy” bằng cách cầu cứu sự cảm thông của các thầy cô cho con mình được lên lớp, tưởng rằng như thế là xong một năm học.. Nhưng quá trình đó sẽ lại tiếp diễn ở năm học tiếp theo. Vì có ai xây tầng nhà thứ hai khi cột nhà, tường nhà chưa vững chắc ở tầng một. Đứa trẻ không đủ kiến thức ở lớp này làm sao có thể tiếp nối kiến thức đó ở lớp tiếp theo. Nó không đủ năng lực tư duy để tiếp nhận tri thức mới. Ngồi học, thầy cô giảng, nó chẳng hiểu gì. Cố gắng lắm nó ngồi tập trung tư tưởng được mười, mười lăm phút, sau đó nó mệt mỏi, nó chán, và lẽ tất nhiên nó bị cô đơn ngay giữa lớp học. Nó làm việc khác là hệ quả tất yếu của sự lên lớp ép. Chuỗi ngày đi học trở nên nặng nề đối với nó. Bản chất nó ngoan, nhưng đặt ép nó vào vị trí không đúng, nó bị kêu là hư, là phá kỷ luật của lớp. Vậy là cha mẹ đã làm khổ con mình.

Vậy phải làm thế nào để mỗi năm học mới trở thành niềm hy vọng đối với người mẹ, người cha?

Tôi muốn trình bày một vài suy nghĩ với người mẹ đưa con vào lớp Một. Các em bắt đầu một cuộc chạy đường dài mà ở đầu đằng kia là niềm hy vọng của cha mẹ. Tất cả các em đều ở vạch xuất phát như nhau. Nhưng chỉ sau một thời gian giữa các em có sự khác biệt.

Cái khác biệt ấy bắt đầu ở sự tích lũy kiến thức. Mỗi ngày học, các thầy cô tìm các phương pháp hợp lý để cung cấp cho các em một số “đơn vị kiến thức”. Ví dụ mỗi ngày các em được cung cấp 5 đơn vị kiến thức. Sau một ngày học,có em năm được 5 đơn vị, có em nắm được 3. Có em chỉ nắm được 1 đơn vị. Thế là các em có sự khác biệt.

Vậy buổi tối, một cách khéo léo cha mẹ “kiểm tra” xem con mình hôm nay học được những điều gì. Nó “nhập” được bao nhiêu đơn vị kiến thức vào “đầu” nó. Những ngày đầu, cha mẹ nên học với con. Nhiều gia đình bận rộn nhờ các gia sư, nhưng các gia sư làm sao “tâm huyết” với đứa trẻ bằng người mẹ, người cha.

Còn một yếu tố nữa là phương pháp tư duy. Nhiều khi chúng ta “đốt cháy giai đoạn” trong việc hình thành tư duy. Trước đây hơn chục năm. Có gia đình người Pháp đến làm việc ở Hải Phòng. Gia đình này có con gái Sô-phi học lớp Ba, và con trai Rơ-nô học lớp Một. Có một Trung tâm từ Pháp gửi tài liệu sang cho các em học tập. Tôi được mời đến dạy Toán cho các em. Tôi dạy Rơ-nô phép cộng. Tôi hướng dẫn Rơ-nô cách cộng hai số có một chữ số.

Tôi hướng dẫn cách cộng số 8 với số 5.

* Bước 1. Phần bù của 8 thành 10 là mấy ? (cụ thể là thêm cho 8 số nào để thành 10?)

Rơ-nô trả lời : Phần bù của 8 thành 10 là số 2.

* Bước 2. Số 5 lấy đi số 2 còn mấy?

Rơ-nô trả lời: 5 lấy đi 2 còn 3.

* Bước 3. Vậy 8 cộng với 5 là 13.

Tôi cho em thực hành rất nhiều lần và Rơ-nô làm thành thạo.

Buổi học tiếp theo, tôi kiểm tra : Em hãy cộng 8 với 5. Rơ-nô liền xòe bàn tay rồi đếm trên tường ngón tay: chín, mười, mười một, mười hai. mười ba. Tôi hỏi: sao em không tìm phần bù của 8 thành 10? Rơ-nô trả lời: Pa-pa bảo không được làm như vậy !

Lúc này tôi mới nhớ ra Rơ-nô chưa học phép trừ. Vì mình vốn quen dạy cấp Ba nên không hiểu các phương pháp dạy cho học sinh lớp Một.

Còn một số điều cần bàn, nhưng tôi xin bàn với các bậc cha mẹ đưa con vào lớp Một hai điều: tích lũy đủ kiến thức và rèn luyện phương pháp suy nghĩ cho con mình ngay từ ngày vào lớp Một..

Khi đến một công trường, nhìn chiều sâu của chân móng, ta có thể hình dung chiều cao của công trình sẽ dựng đến đâu. Cũng vậy, xem việc chăm sóc con mình trong học tập, ta có thể hình dung hoài bão của người mẹ, người cha mong muốn con mình đi xa đến đâu trong tương lai. 

Những cha mẹ có trách nhiệm giúp các em hình thành ý thức tích lũy kiến thức và ý thức tích lũy phương pháp tư duy.
Để đứa trẻ đạt được điều đó, các em phải hình thành thói quen:
Làm chủ kế hoạch học tập
Làm chủ thời gian học tập
Làm chủ phương pháp học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.