Cùng con đội đèn đi học

GD&TĐ - Những bà mẹ người Mông ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) cùng con nhỏ đội đèn pin xuyên màn đêm, băng qua vách núi để đến lớp học chữ.

Những đứa trẻ vui cùng mẹ đến lớp học xóa mù.
Những đứa trẻ vui cùng mẹ đến lớp học xóa mù.

Những bạn học đặc biệt

Cứ khoảng 19 giờ, bản Tà Cóm lại lập lòe những ánh đèn của bà con kéo nhau đi học. Lớp xóa mù chữ do Thiếu tá Hơ Văn Di - Đồn Biên phòng Trung Lý đảm nhiệm được tổ chức tại điểm Trường Tiểu học Trung Lý 2.

Nhiều gia đình trong bản, buổi sáng một mình con đến trường học, nhưng buổi tối cả mẹ và con cùng đến trường. Ở nhà, con kèm mẹ đánh vần, làm phép tính cho thạo để đến lớp thầy giáo kiểm tra bài cũ. Đưa con đi học cùng, mẹ ngồi một bên, con một bên. Có những lúc, trong khi chờ mẹ tập viết thì những đứa trẻ này sẽ cùng học bài hoặc tha thẩn chơi ngoài sân trường.

Xưa nay những người phụ nữ Mông ở bản Tà Cóm chỉ biết việc nương rẫy, ở nhà chăm sóc chồng con, giờ bàn tay quen lao động thô sơ, thật lóng ngóng khi cầm phấn, cái đầu còn nhiều phân vân, chần chừ trước một phép tính. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian chăm chỉ tham gia lớp học, nhiều người đã biết đếm tiền.

Dù nhà cách điểm trường 2km đường rừng, nhưng hai mẹ con chị Giàng Thị Vang vẫn đều đặn đến lớp các buổi tối. Ban ngày, chị Vang lên rẫy, chiều về lo cơm nước cho gia đình, khi trời nhá nhem tối, chị và con mới đội đèn đến lớp học chữ.

Vài ba quyển sách cùng cây bút được sắp xếp gọn gàng trong cặp đã trở thành hành trang không thể thiếu của mẹ con chị. Cuộc sống nương rẫy quanh năm từ khi còn là đứa trẻ, đến khi ngoài 30 tuổi, chị Vang vẫn không biết đọc, biết viết. Người phụ nữ này chỉ mong sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ này, cuộc sống của chị sẽ bước sang “một trang mới”.

Chị Vang tâm sự: “Không biết chữ khổ lắm! Đi đâu cũng phải nhờ mọi người viết cho. Biết chữ rồi, sẽ không phải nhờ ai nữa. Bây giờ mới học thôi mà biết viết tên mình, tên con rồi. Mình sẽ cố gắng đi học đều để mẹ con mình cùng biết chữ như nhau. Sau này, đi bán gà, bán ngô, bán sắn mình sẽ tự biết tính toán. Mình vui lắm. Mấy đứa con của mình, mình sẽ cho chúng đi học, học hết cấp 1 lại tiếp tục ra ngoài xã học cấp 2, lên cấp 3 để được giỏi hơn”.

Cũng giống như chị Vang, chị Phàn Thị Dính (36 tuổi, bản Tà Cóm) là một trong những người đầu tiên xung phong đăng ký đi học xóa mù. Mẹ con chị Dính chăm chỉ nhất lớp, gần như không vắng buổi nào.

“Mình muốn được ra thị trấn bán hàng. Nhưng phải biết đọc, biết viết thì mới bán hàng được. Mình đưa con đi theo để con luyện đọc, luyện viết cùng. Về nhà, mẹ con lại cùng nhau học bài cũng rất vui”, chị Dính bộc bạch.

Sinh năm 1969, nhưng chị Sùng Thị La già hơn nhiều so với tuổi. Bàn tay chị chai sạn, lần giở từng trang sách, đọc theo lời Thiếu tá Di. Chị La cũng như phần nhiều chị em ở lớp, từng rất ngại ngần mỗi khi cán bộ đến nhà vận động đi học, bởi tuổi đã cao, học không để làm gì.

Thế nhưng khi đi học được hơn tháng, chị La cảm nhận: “Thầy Di dạy rất dễ hiểu. Có nhiều chị em không hiểu tiếng phổ thông, thầy Di lại truyền đạt bằng tiếng Mông. Ngoài dạy chữ, thầy Di cũng thường hỏi han về cuộc sống, khuyên bà con xóa bỏ các hủ tục, thay đổi suy nghĩ, lối sống, nhất là vấn đề quản lý con em không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và tránh xa tệ nạn ma túy”.

Những người phụ nữ Mông mong sớm biết chữ để thoát nghèo.

Những người phụ nữ Mông mong sớm biết chữ để thoát nghèo.

Xóa mù để xóa đói, thoát nghèo

Trước đây đã có những lớp xóa mù được mở ra nhưng rất ít người học. Phần vì bà con người Mông còn e thẹn, xấu hổ, nhất là khi người đứng lớp lại là người Kinh, người dưới xuôi lên. Đến khi Thiếu tá Di đảm nhiệm, phát huy lợi thế người địa phương, hiểu được tâm lý, tập quán văn hóa bản địa thì việc vận động bà con đi học mới dần chuyển biến, nhờ vậy sĩ số lớp học mỗi ngày thêm đông. Đến nay, Thiếu tá Di đã hoàn thành 6 lớp xóa mù tại các bản khó khăn, xa xôi nhất, lớp nào cũng đông, số lượng luôn duy trì từ 40 đến 50 người.

Thiếu tá Hơ Văn Di chia sẻ: “Lớp học dành cho người dân bản Tà Cóm bắt đầu được hơn 1 tháng nay, ban đầu chỉ có hơn 10 học viên, nhưng đến giờ đã thu hút được gần 40 người. Ngoài việc dạy cho bà con biết viết, biết đọc thầy giáo còn tuyên truyền giúp bà con nâng cao hiểu biết các quy định của pháp luật của Nhà nước và việc cần tránh xa tệ nạn ma túy.

Học sinh ở đây, lúc đầu theo mẹ đến lớp cho vui nhưng sau đó các em cũng tranh thủ làm bài tập về nhà và cùng học chữ theo mẹ. Có hôm, những đứa trẻ học chán thì lăn ra ngủ, các bà mẹ vừa ôm con ngủ vừa học bài, tinh thần học tập của chị em xung quanh cũng khiến mỗi người quên hết mệt nhọc”.

Thiếu tá Di kỳ vọng những lớp xóa mù chữ như thế này chính là cơ hội để người dân vùng cao được tiếp cận với tri thức, góp phần đẩy lùi đói nghèo.

Thiếu tá Lê Xuân Lâm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) chia sẻ: “Trước đây, bà con người Mông luôn có ý nghĩ, cái chữ không làm no cái bụng ngay nên họ không chịu đi học. Bây giờ, bà con đã hiểu ra rằng, không biết chữ thì không thể xin được việc làm trong công ty hoặc đi xuất khẩu lao động, sẽ không bao giờ thoát được cái nghèo. Xóa mù chữ chính là bước đệm để xóa đói giảm nghèo”.

Hành trình chinh phục con chữ chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng với khát khao và sự kiên trì, những người lính biên phòng luôn tin rằng, các học viên của những lớp học đặc biệt này sẽ đọc thông, viết thạo, từng bước thay đổi cuộc sống của chính mình. Tinh thần học tập của bà con người Mông nơi bản Tà Cóm rồi đây cũng sẽ được truyền lại cho các thế hệ con em.

Ông Trương Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý chia sẻ: “Thành công từ những lớp xóa mù chữ của cán bộ biên phòng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí. Người dân đang dần dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Sự thụ động, trông chờ, ỷ lại vào chính sách vẫn còn đang tồn tại lâu nay ở một bộ phận người dân đang dần dần được xóa bỏ”.

Cùng lớp xóa mù do Đồn Biên phòng Trung Lý triển khai ở bản Tà Cóm, Đồn Biên phòng Tam Chung, Đồn Biên phòng Quang Chiểu cũng mở các lớp xóa mù tại bản Bóng, xã Mường Chanh và bản Suối Phái, xã Tam Chung...

Các lớp xóa mù do các đồn biên phòng phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, hướng đến mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ