Lớp học ngoại ngữ '0 đồng' giữa đại ngàn Nậm Ban

GD&TĐ - Sau giờ làm việc và ngày nghỉ nếu không có việc đột xuất, Đại úy Vũ Văn Chính lại 'lên lớp' phụ đạo thêm ngoại ngữ cho học sinh vùng biên Nậm Ban.

Lớp học tiếng Anh của Đại úy Vũ Văn Chính tuy đơn sơ nhưng chứa đựng tình yêu thương với trẻ em nghèo nơi biên giới.
Lớp học tiếng Anh của Đại úy Vũ Văn Chính tuy đơn sơ nhưng chứa đựng tình yêu thương với trẻ em nghèo nơi biên giới.

Viết tiếp đam mê…

Sinh ra trong gia đình đông con, bố mẹ làm nông nghiệp tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), Đại úy Vũ Văn Chính (sinh năm 1982) rất đam mê học tiếng Anh. Nhờ tính cần cù chăm chỉ và liên tục trau dồi kiến thức, Chính xuất sắc trúng tuyển Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội. Năm 2005, sau khi ra trường, anh tham gia các dự án phát triển cộng đồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Quá trình làm việc ở vùng cao, anh Chính nhận thấy cuộc sống của học sinh vất vả, không có cơ hội tiếp cận và học tiếng Anh nên thiệt thòi. Từ đó, anh suy nghĩ đến việc giúp trẻ em vùng cao tiếp cận tiếng Anh khi có cơ hội. Năm 2012, anh Chính trở thành chiến sĩ công an, sau đó làm giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an).

Đến tháng 11/2023, Đại úy Vũ Văn Chính là 1 trong 22 cán bộ chiến sĩ xung phong tăng cường về xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự giai đoạn 2023 - 2025 do Bộ Công an phát động. Anh được phân công công tác tại xã biên giới Nậm Ban (Nậm Nhùn, Lai Châu), cách Hà Nội hơn 500km.

Đại úy Vũ Văn Chính chia sẻ: “Nhờ sự ủng hộ của gia đình, tôi có thêm động lực để lên mảnh đất biên giới Lai Châu. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con, tôi dành tình yêu thương dìu dắt, ân cần giúp đỡ để các em cảm nhận được tình cảm chân thành”.

Ngay sau khi nhận công tác tại xã Nậm Ban, Đại úy Vũ Văn Chính khẩn trương bắt tay vào công việc. Từ tuần đầu tiên ở nơi xa nhà, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tranh thủ những lúc rảnh, anh tìm hiểu địa bàn và được biết học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn trong cuộc sống cũng như học tập. Đặc biệt, việc học ngoại ngữ gặp trở ngại do thiếu giáo viên môn Tiếng Anh.

Có chuyên môn sâu dạy tiếng Anh, Đại úy Chính sau giờ làm việc và ngày nghỉ (nếu không có việc đột xuất) sẽ dành thời gian giúp học sinh phụ đạo thêm kiến thức ngoại ngữ. Nghĩ là làm, Đại úy Chính báo cáo Ban Chỉ huy Công an xã rồi gặp Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban Nguyễn Văn Đài để bày tỏ việc mở lớp dạy tiếng Anh cho học sinh ở địa phương.

Thầy giáo Chính tiếp tục mở thêm các lớp học tiếng Anh kết hợp dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Thầy giáo Chính tiếp tục mở thêm các lớp học tiếng Anh kết hợp dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Lớp học giữa khoảnh sân nhỏ

Được sự ủng hộ của lãnh đạo đơn vị và địa phương cùng sự giúp sức của phụ huynh, một lớp học đơn sơ nhanh chóng được hình thành trong khoảng sân có mái che một gia đình. Bàn ghế, bảng viết mượn từ trường học. Tối thứ 5 và sáng thứ 7, Chủ nhật, học sinh lại háo hức đến lớp học tiếng Anh miễn phí của “thầy giáo” Chính.

Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: “Lớp chỉ có một thầy, 6 trò, đều là học sinh THCS. Các em ham học nên việc phụ đạo nhanh, có kết quả tốt, những kiến thức căn bản về từ vựng và ngữ pháp, nghe, nói, đọc, viết được nâng lên rõ rệt. Hơn thế, các em tự tin, thích thú trong giao tiếp tiếng Anh”.

Để tạo hứng thú cho các em, Đại úy Chính bắt đầu bài học bằng những bài hát tiếng Anh vui nhộn. Sau khi kiểm tra kiến thức cũ, anh mới dạy kiến thức bài mới. Sau hơn 4 tháng, lớp học đã có kết quả bước đầu. Học sinh biết cách tự học, yêu thích môn Tiếng Anh hơn và không sợ học như trước. Nhiều em còn lên công an xã gặp riêng thầy Chính hỏi bài.

Em Lò Thị Chi - học sinh lớp 8, Trường PTDTBT THCS Nậm Ban chia sẻ: “Trước đây em nhút nhát, ngại tiếp xúc với người ngoài. Sau thời gian theo học, em đã mạnh dạn, hòa đồng, sẵn sàng giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt”.

Nói về cách giúp học sinh học tốt môn Tiếng Anh, Đại úy Vũ Văn Chính cho biết: “Mới đầu, tôi gặp khó khăn do các em không nắm được từ vựng, ngữ pháp. Sau đó, tôi tìm ra phương pháp dạy học phù hợp là vận dụng cách đọc to, ghi từ vựng nhiều và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Mỗi chủ đề, tôi đều giải thích bằng tiếng Việt trước, tiếng Anh sau”.

Ngoài ra, anh Chính cũng cho biết, sự kiên trì rất quan trọng đối với người học. Học tiếng Anh không phải một hai ngày hay một vài tháng là có thể giỏi mà cần một quá trình dài. Học sinh phải trau dồi kiến thức ngữ pháp và học từ vựng mỗi ngày. Đặc biệt, học sinh cần tự tin nói, viết, giao tiếp.

Lúc đầu, Đại úy Chính chỉ nghĩ mở lớp học này để dạy thêm vốn từ tiếng Anh nhằm giúp các em sau khi vào học ở cấp học cao hơn không bỡ ngỡ và theo kịp các bạn. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh muốn gửi con theo học.

“Dự định mùa Hè năm nay, tôi sẽ mở lớp ngoại ngữ kết hợp dạy kỹ năng sống, tuyên truyền phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh. Để việc dạy đạt hiệu quả, tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm kiến thức tâm lý lứa tuổi với mong muốn nâng cao nhận thức pháp luật và truyền cảm hứng học tập đến thế hệ trẻ vùng cao biên giới”, Đại úy Chính cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đài khẳng định: “Lần đầu tiên trên địa bàn xã có một cán bộ công an mở lớp dạy miễn phí cho học sinh. Bà con dân bản ai cũng tin tưởng và quý mến Đại úy Chính”.

Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Đại úy Vũ Văn Chính luôn duy trì đam mê với môn Tiếng Anh. Anh từng đạt giải Nhì cuộc thi giảng viên dạy giỏi do Bộ Công an tổ chức và được nhiều giấy khen của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.