Trung úy công an và lớp học đặc biệt

GD&TĐ - 6 năm hoạt động thiện nguyện, Trung úy Lê Tuấn Thành mang những phần quà, tri thức… đến với người chưa biết chữ hay từng học nhưng đã quên.

Trung úy Lê Tuấn Thành dạy chữ cho bà con làng Kret Krot.
Trung úy Lê Tuấn Thành dạy chữ cho bà con làng Kret Krot.

Đam mê thiện nguyện

Trung úy Lê Tuấn Thành, Công an xã Hra (Mang Yang, Gia Lai) từ nhỏ đã đam mê đọc sách. Qua những câu chuyện về sự sẻ chia, anh luôn muốn giúp đỡ mọi người khi khó khăn.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI (Long Thành, Đồng Nai), anh Thành về địa phương công tác. Yêu thích thiện nguyện, anh tìm đến những vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ bà con khó khăn. Bắt đầu hoạt động thiện nguyện từ năm 2018, đến nay anh Thành đã sáng lập, điều hành và triển khai thực hiện hiệu quả dự án “Tủ sách thắp sáng đạo đức” và “Hành trình xanh”.

Dự án “Tủ sách thắp sáng đạo đức” của Trung úy Thành đã trao hơn 3.000 phần quà và 30 nghìn cuốn sách với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng cho các trường học, trại trẻ mồ côi, trại giam, trại cai nghiện trên khắp cả nước. Với dự án “Hành trình xanh” đến nay đã tổ chức 5 lần dọn rác và trồng hơn 150 nghìn cây xanh với tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo nên môi trường sống trong lành, lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, kêu gọi mọi người tham gia trồng cây và nhặt rác.

Không những vậy, Trung úy Thành còn tham gia hiến máu 31 lần, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng trên địa bàn. Đồng thời kết nối với các đơn vị liên quan thu nhận hơn 300 đoạn tóc giúp đỡ các bệnh nhân ung thư vượt qua nghịch cảnh, lạc quan hơn trong cuộc sống.

Người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia lớp “xóa mù chữ”.

Người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia lớp “xóa mù chữ”.

Lớp học tình quân dân

Hơn một tháng qua, thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, Trung úy Thành đảm nhận trọng trách người thầy dạy chữ cho bà con làng Kret Krot (xã Hra, huyện Mang Yang). Tối đến, những bóng người thấp thoáng dưới ánh đèn đường rảo bước đến Trường Tiểu học xã Hra học chữ. Lớp học đặc biệt này có 40 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, người mới đôi mươi, nhưng cũng có học viên tóc đã ngả hai màu.

Trung úy Thành chia sẻ, lớp “xóa mù chữ” bắt đầu sau buổi chiều khi bà con từ nương rẫy trở về. Ban đầu, lớp chỉ có khoảng 20 người, thế nhưng sau một thời gian ngắn bà con nhận thấy lợi ích của việc học nên đến ngày càng đông.

“Những ngày đầu, sĩ số học viên ít nên tôi nhờ già làng, người có uy tín hỗ trợ vận động bà con ra lớp. Bản thân tôi cũng trích tiền mua thêm nhu yếu phẩm, phần quà nhỏ để tặng cho học viên chăm chỉ, siêng năng đến lớp. Dần dần, bà con tin tưởng và muốn học để biết chữ nên lớp ngày một đông. Có thể giúp đỡ, hỗ trợ bà con bản thân tôi thấy rất vui và hạnh phúc”, Trung úy Thành tâm sự.

Song song với việc dạy chữ, anh Thành còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp vận động, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Anh Thành dự định sưu tập thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để hướng dẫn cho bà con, giúp dân làng từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Ở tuổi 25, chị Vênh Sinh (ngụ làng Kret Krot) chỉ mới biết đọc, biết viết được ít ngày qua. Trước kia cuộc sống khó khăn, cha mẹ cơ cực nên chị chẳng được đến trường học chữ. Mỗi khi làm giấy tờ chị không tự kí được tên mình mà chỉ có thể lăn tay, điểm chỉ. Hay tin có lớp “xóa mù chữ” chị Vênh Sinh liền đăng kí.

“Được đi học mình vui lắm. Giờ đây mình có thể tự viết được tên nhưng chữ còn xấu lắm. Thầy Thành còn chia sẻ nhiều điều bổ ích giúp bà con có hướng đi đúng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Do đó, ai cũng phấn khởi”, chị Vênh Sinh bộc bạch.

Trưởng làng Kret Krot, ông Kơ cho biết, làng có 180 hộ đều là người Ba Na, với tỷ lệ người trên 20 tuổi mù chữ khá nhiều. Bởi trước đây làng còn nhiều khó khăn, người dân không có điều kiện đến trường. Khi lớp “xóa mù chữ” được mở ra, thời gian đầu bà con còn ngại đến lớp. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, mọi người truyền tai nhau về lợi ích của việc học nên số lượng học viên tăng dần.

Qua học chữ, người dân còn được tiếp cận với các văn bản của Nhà nước, mở mang kiến thức trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, giảm hủ tục lạc hậu trên địa bàn. Cũng từ lớp học này, sự gắn kết giữa cán bộ, chiến sĩ công an và người dân ngày càng bền chặt.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng Công an xã Hra chia sẻ, từ tháng 6/2023, Trung úy Lê Tuấn Thành nhận nhiệm vụ tại đơn vị và phụ trách hai địa bàn trọng điểm là làng Kret Krot và Bok Ayơl. Dù địa bàn khó khăn nhưng Trung úy Thành luôn chấp hành tốt nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ. Bên cạnh công tác chuyên môn, Trung úy Thành còn vận động, kêu gọi giúp đỡ rất nhiều cho người dân địa phương, như: Xây nhà cho hộ nghèo, tặng 10 xe đạp cho học sinh khó khăn, hỗ trợ đường điện làng Bok Ayơl…

Với nhiều cống hiến cho cộng đồng, Trung úy Lê Tuấn Thành là một trong 10 cá nhân vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia và được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương Thanh niên sống đẹp năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.