Nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo
Cụm thi đua số 1 gồm có 5 Sở GD&ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, Cụm trưởng cụm thi đua số 1 năm học 2022-2023 cho biết: “Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, ngành GDĐT các thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo và gương điển hình tiên tiến, đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả giáo dục”.
Một số đề xuất của cụm thi đua số 1 liên quan đến các quy định về mức thu học phí, điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục... |
Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai thành công mô hình "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" giai đoạn 2022-2025. Kết quả, Qua 6 tháng triển khai thực hiện, đã có 100% các phòng GD&ĐT; 80 trường trung học phổ thông trên địa bàn ký kết về hợp tác về giáo dục. Hà Nội còn triển khai mô hình: "Xây dựng cơ sở dữ liệu Thành phố về công tác tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục" cũng đạt được kết quả tích cực là đã xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Các thành phố đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học kiên cố hơn 90%, cao hơn trung bình chung toàn quốc (79,5%). Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia gia tăng theo từng năm. Tuy nhiên bên cạnh Hà Nội và Cần Thơ có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia trên 70% thì các thành phố khác còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Ở các thành phố đều có tình trạng thiếu trường, lớp; đặc biệt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – hai địa phương có số học sinh lớn nhất toàn quốc.
Sở GD&ĐT Hải Phòng với Mô hình “Ngày hội giáo dục STEM” được tổ chức từ cấp trường đến cấp quận/ huyện, cấp thành phố đã đẩy mạnh giáo dục STEM trong nhà trường. Tại Ngày hội STEM cấp thành phố năm 2023, có hơn 1000 sản phẩm STEM được trưng bày; hơn 60 robot tham gia thi đấu, nhiều tiết dạy và chuyên đề STEM được thực hiện.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng với Mô hình mới: “Triển khai các giải pháp đẩy mạnh giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng gắn với việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn thành phố gắn với những mô hình hoạt động cụ thể”. Kết quả, đã đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh giáo dục lịch sử, cách mạng cho học sinh gắn với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp
Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo. Hiện đã triển khai hiệu quả hình thức dạy học trên hệ thống quản lý học tập, xây dựng bản đồ thông tin địa lý giáo dục GIS EDU hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp trực tuyến.
Học sinh Đà Nẵng tham quan, học tập tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, một trong những mô hình ngành GD thành phố thực hiện trong triển khai các giải pháp đẩy mạnh giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng. |
Sở GĐ&ĐT Cần Thơ với “Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học hướng tới hội nhập quốc tế”. Kết quả, đến nay đã đổi mới việc giảng dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều phương pháp phong phú, hấp dẫn. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh được nâng cao chất lượng chuyên môn. Chú trọng giáo dục STEM cấp tiểu học, được lồng ghép với các bài học, chủ đề theo hướng tích hợp liên môn;…
Nhiều đề xuất, kiến nghị trình Bộ GD&ĐT
Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, các thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Hải Phòng là thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ toàn phần học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn, thực hiện từ năm học 2020-2021. Đến năm học 2022-2023, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ cũng đã thực hiện miễn học phí cho học sinh; thành phố Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ học phí theo các nhóm đối tượng và theo cấp học.
Các thành phố đã chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Các thành phố đã có cơ chế mạnh mang tính đột phá, chính sách đặc thù trong thực hiện thu hút, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên giỏi. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên mầm non; thừa thiếu cục bộ giáo viên phổ thông.
Tuy nhiên, cụm thi đua số 1 đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét, tham mưu trình Chính phủ điều chỉnh Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Điều 3; Khoản 1); khẩn trương sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP về mức thu học phí.
Ngoài ra, cần sớm bổ sung, sửa đổi Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông ; thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm, học thêm.
Hiện nay, gần như các địa phương đang phải in bản PDF tài liệu giáo dục địa phương để giảng dạy. Vì vậy, cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về in ấn, phát hành Tài liệu Giáo dục địa phương.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị, nên bổ sung chính sách tuyển thẳng vào lớp 10 đối với những HS đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toàn thành phố ở năm học lớp 9. Hiện nay, ở Hà Nội, nhiều học sinh đạt giải cao ở kỳ thi này đều được tuyển thẳng, có học bổng thu hút vào các trường THPT chuyên thuộc các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong mô hình quản lý khối giáo dục phổ thông. Một số trường THPT hiện nay không chỉ do Sở GD&ĐT quản lý mà còn trực thuộc các trường đại học, Sở LĐ&TBXH... nên có nhiều khó khăn trong quản lý.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ghi nhận những mặt vượt trội của giáo dục & đào tạo năm thành phố lớn, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong năm học 2022-2023. Hải Phòng đi đầu trong miễn giảm học phí cho HS tất cả các bậc học, Đà Nẵng rất nỗ lực và quyết liệt trong triển khai nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi vào học ở các trường mầm non công lập, trong đó, ưu tiên con em công nhân và hộ nghèo. TP Hồ Chí Minh triển khai dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non… Chất lượng giáo dục mũi nhọn, chuyển đổi số… của các tp trực thuộc trung ương đều có những thành tích vượt trội.
Vụ Tổ chức – Cán bộ ghi nhận những kiến nghị của các Sở GD&ĐT thuộc Cụm thi đua số 1 và sẽ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ để có những hướng dẫn thực hiện phù hợp.