Đề xuất nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện Cụm thi đua số 6

GD&TĐ - Chiều 13/7, tại Quảng Trị, Cụm thi đua số 6 khu vực Bắc Trung bộ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023.

Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 cụm thi đua số 6 tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đăng Đức.
Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 cụm thi đua số 6 tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đăng Đức.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị - Cụm trưởng cụm thi đua số 6 năm học 2022-2023 chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì là ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo ngành giáo dục của 6 tỉnh Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Khắc phục khó khăn, đạt thành quả nổi bật

Trong năm học 2022-2023, các Sở GD&ĐT cụm thi đua số 6 triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đạt được những kết quả tích cực. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT phù hợp thực tiễn từng địa phương. Tham mưu, phối hợp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình GDPT 2018, triển khai chương trình sách giáo khoa mới tại các địa phương.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị - Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ảnh: Đăng Đức.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị - Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ảnh: Đăng Đức.

Công tác triển khai hoạt động chuyên môn tại các bậc học, ngành giáo dục 6 tỉnh cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, giáo dục mầm non đổi mới theo hướng “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; tăng cường “phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc giáo dục trẻ”. Chú trọng giáo dục trẻ 5 tuổi và hoạt động hỗ trợ, chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học. Đẩy mạnh quản lý về việc cấp phép, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động đối với giáo dục mầm non, nhất là cơ sở ngoài công lập để giảm bớt áp lực cho trường công lập.

Về giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện theo hướng phát huy năng lực người học. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của cụm thi đua số 6 tiếp tục được phát huy. Nhiều Sở GD&ĐT có học sinh tham gia, đạt thành tích cao tại kỳ thi HSG, thi KHKT quốc gia, Olympic quốc tế.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Đức.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Đức.

Ngành giáo dục các tỉnh cũng xây dựng, tham mưu UBND ban hành kế hoạch, đề án tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh; hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống; dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống… Bên cạnh đó, phát triển giáo dục dân tộc của cụm thi đua số 6 được chú trọng, coi là hệ thống trụ cột của giáo dục vùng cao, vùng biên giới.

Các Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng Kế hoạch và tham mưu rà soát chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 áp dụng năm học 2023-2024.

Trong năm học vừa qua, các Sở GD&ĐT cũng tham gia tích cực và đạt nhiều thành quả trong phòng trào thi đua yêu nước; dạy tốt học tốt; đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập... Nhiều đơn vị sáng tạo, linh hoạt xây dựng và triển khai mô hình trường học tiên tiến theo xu hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.

Giải pháp phát triển cụm giáo dục “đặc thù”

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí với báo cáo của cụm thi đua số 6. Các tỉnh Bắc Trung bộ có truyền thống hiếu học, nên có nền tảng thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, giáo dục và đào tạo của cụm số 6 còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Mạng lưới trường lớp rộng khắp nên có nhiều điểm trường lẻ, đầu tư tốn kém. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn thiếu để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ giáo viên còn bất cập cả về số lượng và cơ cấu. Thiếu giáo viên môn tích hợp, môn năng khiếu, chuyên biệt. Bên cạnh đó, một số địa phương có chỉ tiêu nhưng cũng không có nguồn để tuyển do các trường đại học không đào tạo hoặc đào tạo ít các chuyên ngành ngoại ngữ, tin học.

Nhiều ý kiến được nêu ra tại hội nghị nhằm khắc phục khó khăn, phát triển giáo dục 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Ảnh: Đăng Đức.

Nhiều ý kiến được nêu ra tại hội nghị nhằm khắc phục khó khăn, phát triển giáo dục 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Ảnh: Đăng Đức.

Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, trong đó chất lượng giáo dục đại trà ở một số môn học và chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy giáo dục và đào tạo của cụm thi đua số 6.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ địa bàn rộng lớn, đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có miền núi, vừa có đô thị hiện đại. Vì vậy, ngành giáo dục gặp nhiều bất cập, vất vả trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục phù hợp với đặc thù từng vùng miền.

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An nêu ý kiến cần quan tâm hơn với giáo dục miền núi. Đồng thời mong muốn cụm thi đua số 6 đưa vào đề xuất với Bộ GD&ĐT và các cấp ngành trung ương có cơ chế tăng cường phát triển mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú cũng như chế độ tương ứng cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ, tạo nguồn phát triển học sinh dân tộc thiểu số, nhất là đối với những em ở vùng đã đưa ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn.

Ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất có cơ chế hợp đồng giáo viên, bổ sung đội ngũ triển khai Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh vừa thiếu giáo viên, vừa phải thực hiện tinh giản biên chế.

Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Đức.

Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Đức.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề khác như: đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới. Giải bài toán biên chế ngành giáo dục, đào tạo sư phạm. Đề xuất có điều chỉnh về bổ nhiệm, sắp xếp vị trí nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng; chính sách đặc thù nhà giáo. Vấn đề sáp nhập trường lớp. Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo. Giáo dục văn hóa ứng xử trên không gian mạng...

Đại diện các Sở GD&ĐT cũng đề xuất có sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của những đơn vị trong cụm, với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực khu vực Bắc Trung bộ.

Cụm thi đua số 6 bầu Cụm trưởng là Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình và Cụm phó là Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài.

Cụm thi đua số 6 bầu Cụm trưởng là Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình và Cụm phó là Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài.

Hội nghị cũng thống nhất phương hướng nhiệm vụ trong năm học mới 2023-2023. Theo đó, tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018. Rà soát, sắp xếp quy mô trường lớp theo hướng tinh gọn. Đồng thời điều động, bố trí cán bộ quản lý, tuyển dụng giáo viên, nhân viên phù hợp với các văn bản quy định thực tế địa phương và biên chế được giao. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư và xã hội hóa cho giáo dục và đào tạo, trong đó vận dụng, đặt vào các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tích cực chuyển đổi số trong giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường thiết lập, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và đổi mới giáo dục đào tạo theo xu thế hội nhập, hiện đại hóa.

Tại hội nghị, các đơn vị cũng đã thống nhất bầu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình làm Cụm trưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh là Cụm phó cụm thi đua số 6 năm học 2023-2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…