Bệnh viện thành ổ dịch
Lâu nay, trường học và bệnh viện luôn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh dịch. Nguyên nhân do trẻ trong độ tuổi đến trường sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh. Các bé sinh hoạt tập trung nên nguy cơ lây lan càng lớn.
Tương tự, ở bệnh viện, bệnh nhân mắc sẵn bệnh nào đó cần điều trị nên sức đề kháng cũng suy giảm nên cũng gia tăng khả năng mắc bệnh do lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân với bệnh nhân, bệnh nhân với nhân viên y tế hoặc mắc bệnh từ người đến thăm bệnh nhân. Với những trường hợp này, việc điều trị bệnh vô cùng khó khăn do người bệnh mắc nhiều bệnh cùng lúc.
Bệnh viện hay trường học trở thành ổ dịch không còn là chuyện lạ. Đầu tháng 6, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) phải đóng cửa tạm thời khoa Nội soi do có bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Bệnh nhân này và nhiều người khác phải tạm dừng phẫu thuật để điều trị cúm tuy nhiên virus này vẫn tấn công nhiều người khác, trong đó có nhân viên y tế nên 83 người phải cách ly, uống thuốc kháng virus tamiflu và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng...
Dù không phát triển thành dịch nhưng virus cúm A/H1N1 vẫn xuất hiện rải rác ở các địa phương trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 7 ca tử vong liên quan đến bệnh này. Ca tử vong gần đây nhất là thai phụ mang thai 32 tuần tuổi ở Đồng Tháp.
Có thể chết vì chủ quan
Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
Theo thông tin của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1, H3N2 và cúm týp B là chủng cúm lưu hành phổ biến ở nước ta. Đây là bệnh thông thường, người mắc có thể tự khỏi sau 1 tuần nghỉ ngơi, thậm chí có người nhiễm virus nhưng không có biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, với người mắc bệnh mãn tính (thận, tim mạch, đái tháo đường) hay béo phì, phụ nữ có thai thì chớ chủ quan bởi virus này có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn dẫn đến tử vong.
Còn theo giám sát của Tổ chức Y tế thế giới tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 67.928 mẫu xét nghiệm ghi nhận 2.328 mẫu dương tính với cúm, trong đó có 69,4% là cúm A, còn lại là cúm B. Trong các týp cúm A chiếm phần lớn là phân týp cúm A/H1N1 với 75,1% (888 ca), còn lại là cúm A/H3N2 chiếm 24,9% (295 ca).
Trong năm 2018, dù các chủng virus cúm không phát triển thành dịch nhưng vẫn bùng phát rải rác ở một số nơi. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch ghi nhận ở mức thấp nhưng lại có sự gia tăng ở các quốc gia như Lào, Singapore. Ở Việt Nam, số liệu giám sát cúm quốc gia cho thấy, cúm A (H1N1) chiếm khoảng 20 - 50% trong số các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.
Sở dĩ cúm A/H1N1 được coi là bệnh thông thường bởi sự phổ biến của virus này trong cộng đồng cũng như khả năng tự khỏi. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chủ quan với bệnh.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, đề phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh, người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Tăng cường vệ sinh cá nhân, môi trường sống, lớp học, bệnh viện và thường xuyên rửa tay với xà phòng để hạn chế nguy cơ mắc. Với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, tiêm vắc xin ngừa bệnh…