Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục chia sẻ về phụ cấp thâm niên theo quy định mới

GD&TĐ - Nghị định 77/2021/NĐ-CP về chế độ thâm niên nhà giáo có hiệu lực kể từ ngày ký (1/8/2021).

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT)
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh Nghị định này.

Tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện

- Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo ông, đâu là điểm nhấn của Nghị định này?

- Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 đã bãi bỏ Luật Giáo dục 2005. Theo Luật Giáo dục năm 2019, chính sách tiền lương đối với nhà giáo không còn quy định về chế độ phụ cấp thâm niên. Việc ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhằm tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đối với đội ngũ các thầy cô giáo.

Nghị định được xây dựng trên cơ sở: Kế thừa các quy định đã được thực hiện ổn định, không có vướng mắc trong thực tiễn của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 và Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015.

Các quy định của Nghị định không làm phát sinh thêm đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với thực tiễn, thiết thực; tạo hành lang pháp lý để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

- Tới đây, sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có đội ngũ nhà giáo. Vậy việc xây dựng và ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP có cần thiết – thưa ông?

- Nội dung cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu) và dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2020.

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới đến ngày 1/7/2022. Vì vậy, việc ban hành Nghị định số 77/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

.Ảnh minh hoạ.
.Ảnh minh hoạ.

Lương của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng

- Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc: Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, phụ cấp thâm niên nhà giáo cũng sẽ được bãi bỏ. Vậy điều này có thiệt thòi cho nhà giáo?

- Chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

Ngoài ra, sẽ gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Khi thực hiện Chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Việc ban hành hệ thống bảng lương mới sẽ theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và sẽ thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm: 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo

Như vậy, khi thực hiện chính sách tiền lương mới thì lương của nhà giáo không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Vì thế, thầy, cô giáo yên tâm công tác và dành hết tình yêu, tâm huyết để có những tiết dạy sáng tạo, hấp dẫn học trò.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.