Duy trì phụ cấp thâm niên nhà giáo đến khi triển khai chính sách tiền lương mới

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mức lương của giáo viên mầm non thấp nhất trong thang bảng lương của các cấp học và chính sách ưu đãi khác không có; thời gian làm việc của giáo viên tại trường bình quân 8 - 10 giờ/ngày. Hiện, tỉnh Tây Ninh đã tạm ngưng chi trả phụ cấp thâm niên của giáo viên trong khi lương chưa được chuyển xếp theo quy định. 

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ việc và các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm mầm non của tỉnh không có nguồn để tuyển sinh theo chỉ tiêu được duyệt. Nhiều huyện trong tỉnh không hợp đồng được giáo viên mầm non. Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, có chính sách để giải quyết hiện tượng trên. 

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhằm khắc phục những bất cập như cử tri phản ánh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:

Đề xuất chính sách tiền lương mới bảo đảm cao hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/CP. Trước mắt, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo giúp giáo viên mầm non mới ra trường tăng thêm thu nhập.

Thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm. Theo đó, từ năm học 2021 - 2022, sinh viên sư phạm ngoài việc được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng. Đồng thời, các địa phương được chủ động đặt hàng đào tạo với trường sư phạm, chủ động trong chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nên chủ động được nguồn tuyển dụng giáo viên. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi vào học ngành sư phạm trong những năm tới.

Về chính sách phụ cấp thâm niên của nhà giáo: Chính phủ đã báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 50 và có kết luận nêu tại Thông báo số 4078/TB-TTKQH ngày 11/11/2020 của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Tờ trình số 34/TTr-CP ngày 14/10/2020 nhằm hỗ trợ nhà giáo ổn định đời sống, yên câm công tác trong thời gian chính sách tiền lương mới chưa được áp dụng. Đề nghị Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi triển khai chính sách tiền lương mới. Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ để sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi triển khai chính sách tiền lương mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.