Theo ban tổ chức, buổi gặp mặt các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam nhân 60 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam) nhằm tôn vinh những giá trị vượt thời gian của các nhà làm điện ảnh.
Đấy là những giá trị được tạo nên từ lòng yêu nước, sự cống hiến tình yêu nghệ thuật chân chính của các nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên qua các thời kỳ, đã cùng nhau trưởng thành tại ngôi nhà số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Bình Thanh |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, đây cũng là dịp để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đã làm nên ngôi nhà số 4 Thụy Khuê.
Đấy là, ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”.
Tuy nhiên, phải 6 năm sau, năm 1959, bộ phim truyện nhựa đầu tiên mang tên “Chung một dòng sông” mới ra đời, bộ phim đánh dấu sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, bộ phim cũng đặt dấu mốc lịch sử thành lập nên Hãng phim truyện Việt Nam.
Mảnh đất số 4 Thụy Khuê đã vun đắp tài năng của những nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất của nền điện ảnh Việt Nam như: Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bảy, Trần Vũ, Trà Giang, Phi Nga, Như Quỳnh,...; gắn với nhiều bộ phim xuất sắc ra đời thời kỳ chiến tranh như: “Nổi gió”, “Con chim vành khuyên”, “Ngày lễ thánh”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”...
Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã ngã xuống chiến trường trong lúc đang làm nhiệm vụ. Đất nước thống nhất, các nghệ sĩ của Hãng có mặt trên khắp đất nước, dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ góp sức xây dựng nền điện ảnh Việt Nam thống nhất, đổi mới, tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc như: “Sao tháng 8”, “Mối tình đầu”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Mùi cỏ cháy”,...
Nhiều tác phẩm đã xuất sắc được trao những giải thưởng cao quý với: 65 Bông sen Vàng tại các kỳ liên hoan phim quốc gia, những giải thưởng quốc tế quý giá ngay trong những năm tháng chiến tranh như: Huy chương vàng Moscow liên hoan phim năm 1969, giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại liên hoan phim Moscow năm 1973, giải thưởng lớn Bồ câu vàng tại liên hoan phim Leipzig năm 1975...
Đông đảo nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Bình Thanh |
"Với những cống hiến cho điện ảnh cách mạng Việt Nam, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng các Huân chương Độc lập (hạng Nhì, Ba); Huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì, Ba); trao 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 Giải thưởng Nhà nước cho các nghệ sĩ tài năng của Hãng." - Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.
Buổi gặp mặt được tổ chức tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Cùng với các tiết mục văn nghệ là những bài hát trong phim; trao kỷ niệm chương, nhân dịp này Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã biên soạn cuốn sách 60 năm một chặng đường.
Được biết đây là món quà để đặc biệt chúc mừng ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam.