Chiều ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.
Còn 570 kiến nghị cử tri “tồn đọng”
Theo báo cáo giám sát kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, thông qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, TP đã tiếp nhận 2.868 kiến nghị cử tri.
Trong đó, hoạt động của Quốc hội có 139 kiến nghị; TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao có 17 kiến nghị; công tác điều hành của Chính phủ có 2.284 kiến nghị.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, dù số lượng các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành rất lớn nhưng đều đã được các vị bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết.
Cho nên, chất lượng việc giải quyết các kiến nghị có một sự chuyển biến khá rõ rệt, những sai sót đáng tiếc như trả lời không đúng với nội dung câu hỏi mà cử tri nêu hay cử tri huyện này hỏi lại trả lời sang huyện khác đã được khắc phục khá triệt để.
Tuy nhiên, vẫn còn 570 kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm. Một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, không phù hợp với thực tiễn nên cử tri tiếp tục kiến nghị.
Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị về việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 27 đoạn từ Krông Nô, Đắk Lắk đến Liên Khương, Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải trả lời “sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và bảo đảm an toàn giao thông”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, trong 8 năm qua, dù Bộ này đã có nhiều văn bản trả lời nhưng tuyến quốc lộ 27 đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn hư hỏng nặng...
Ủy quyền tiếp dân cho cấp phó vẫn nhiều
Đáng chú ý, theo bà Hải, tại kỳ này, cử tri quan tâm đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc đầu tư thực hiện dự án BOT; rà soát, thanh tra, kiểm tra các vị trí đặt trạm thu phí đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khoảng cách.
Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội cũng cho thấy, cử tri và nhân dân tại một số địa phương bức xúc, phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập.
Nhiều người dân thể hiện thái độ không đồng tình trước việc đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, không hợp lý; việc chỉ định thầu còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch; hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, công tác quản lý Nhà nước về dự án BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các dự án BOT giao thông; bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, hoạt động”, báo cáo nêu rõ.
“Cử tri lo lắng về công tác quy hoạch, chấp hành trật tự kỷ cương xây dựng, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại các TP, thị xã”, bà Hải nói và cho biết, cử tri các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi kiến nghị, cần công khai, minh bạch quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT.
Thực tế cho thấy, số lượng các vi phạm quy định về công khai, minh bạch, nhất là các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, tài chính, việc đầu tư thực hiện các dự án hay vấn đề công khai, minh bạch hóa thông tin về danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, phường và kế hoạch sử dụng đất vẫn còn mang tính hình thức chưa hiệu quả, chưa đáp ứng đúng mong đợi của cử tri.
Bên cạnh đó, việc tiếp công dân của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vẫn còn nhiều hạn chế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định của pháp luật, hiện tượng ủy quyền, giao cấp phó tiếp thay vẫn còn nhiều.
Đặc biệt, trong thời gian qua xuất hiện nhiều phản ánh của cử tri về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức chưa đúng mực khi tiếp dân, nhất là cán bộ cấp xã, phường, quận, huyện điển hình như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP Hà Nội; hay một số vụ việc xảy ra tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội; xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương… liên quan đến việc chứng thực lý lịch để hoàn thiện hồ sơ nhập học, xin việc làm…
“Các cán bộ, công chức này đã chưa thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, có biểu hiện lạm quyền, có thái độ quan liêu, vô cảm gây bất bình trong dư luận”, bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Đề nghị thanh tra, kiểm tra đạo đức công vụ của cán bộ
Từ kết quả giảm sát, Ban Dân nguyên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết hoặc có lộ trình giải quyết 570 kiến nghị còn tồn đọng bảo đảm đúng tiến độ, hoàn thành trước tháng 5/2018.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ cấp cơ sở (xã, phường), đặc biệt là các cán bộ hàng ngày tiếp xúc với người dân, giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.
“Đề nghị Thanh tra Chính phủ, thanh tra các cấp có kế hoạch thanh tra, kiểm tra đạo đức công vụ của cán bộ công chức; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong công tác điều hành quản lý cũng như các thủ tục hành chính để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định”, bà Hải nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác tiếp công dân tại các bộ, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Tiếp công dân.