Cụ thể hóa chính sách đãi ngộ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 4, nhiều Đại biểu Quốc hội đã góp ý vào Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) về chính sách ưu đãi đối với người hành nghề.

Cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt

Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Xã hội và tán thành cao với Dự thảo Luật trình tại phiên họp.

Theo đại biểu, Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia. Đồng thời, đưa ra những quy định hợp lý hơn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt trong việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh.

Về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng việc giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong Dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện.

Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi. Hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát Điều 121 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo quy định rõ và đủ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung quy định trong Dự luật tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, đảm bảo tính khả thi của các chính sách.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ ghi nhận cơ quan thẩm tra và ban soạn thảo điều chỉnh tiếp thu nhiều nội dung góp ý của các đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ

Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu đề nghị, cần khẳng định Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động khám bệnh và chữa bệnh thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta trong việc xác định các nhóm đối tượng, lĩnh vực cần được tập trung hỗ trợ. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Trong đó, quy định giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tùy theo nguồn lực của địa phương ban hành nghị quyết về chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp. Mục đích nhằm đảm bảo chính sách thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về chính sách đầu tư phát triển y tế chuyên sâu để phát triển các kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung nhằm bảo đảm ngành y tế nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại.

Đối với các trường hợp và điều kiện cấp giấy phép hành nghề, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu các quy định, tiêu chí về sức khỏe cụ thể hơn đối với nội dung này.

Cần giải quyết nhanh vướng mắc thực tiễn trong việc tự chủ của bệnh viện

Đồng thuận với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết dự thảo đã được chỉnh sửa theo góp ý của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 3 và góp ý của các Đoàn ĐBQH.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Thảo luận về vấn đề mua bảo hiểm trách nhiệm đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng ủng hộ quy định này. Bởi đây là sự bảo đảm cho cả cơ sở và người bệnh.

Theo đại biểu, Quy định Bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh là loại hình bảo hiểm nhằm chi trả chi phí bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại do sai sót chuyên môn của người hành nghề hoặc tai biến do sự cố y khoa phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm và các chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới khiếu nại đó.

Về việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước.

Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch. Mục đích vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này. Làm sao để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi tại kỳ họp thứ năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ