Tháo gỡ vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh

GD&TĐ - Sáng 24/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiến hành thảo luận tại hội trường

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Phiên họp do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành.

Bổ sung quy định tự chủ tài chính

Cho ý kiến về một số vấn đề khác nhau, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nêu rõ, về nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia, nếu chỉ để Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc sự tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm có kết quả sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề.

Trong khi theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề sẽ tổ chức theo hướng của Hội đồng đại diện cho Hiệp hội hành nghề Y khoa Quốc gia và được Bộ Y tế cấp phép giám sát, tổ chức thực hiện. Công tác tổ chức làm sao phải thuận tiện cho người hành nghề khi đăng ký tham gia.

Nêu rõ, dù cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay, các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Do đó, đại biểu Thu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng trong điều trị.

Đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này bởi đây là điều các đại biểu, các y bác sĩ, nhân viên y tế, những người công tác trong lĩnh vực y tế cũng như Nhân dân đang mong mỏi.

Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) - nhấn mạnh, đây là nguyên nhân gây tử vong cao trong trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy đến với các trẻ em ở hộ nghèo, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… không có khả năng chi trả, điều trị.

Căn bệnh này còn gây ảnh hưởng đến não bộ, khả năng học tập của các cháu sau này… Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cần có quy định cụ thể cho vấn đề này.

Trước đó, đầu giờ làm việc, trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm.

Tại phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Dự án Luật hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau về tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Các quy định về chuyên môn, kỹ thuật. Định hình hệ thống y tế; mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường; việc xã hội hóa và cơ chế tự chủ tài chính, hợp tác công tư...

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.

Về chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại điểm h, khoản 1 Điều 20. Giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sỹ trình độ cao đẳng. Đồng thời, bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với từng chức danh chuyên môn.

Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề (Điều 23) và Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 24), dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện.

Lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước như quy định tại Điều 29.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.