Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

2 phương án dự thảo Luật

Tiếp tục kỳ họp thứ tư, sáng 24/10 Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ ba và còn nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề lớn, trong đó có quy định về xã hội hoá.

Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo 2 phương án và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phương án 1: quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và quy định khái quát về xã hội hóa và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Phương án 2: quy định rõ các hình thức xã hội hóa. Đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định như phương án 1 vẫn còn chưa hợp lý vì không có nội dung, không chỉ rõ các hình thức xã hội hóa cụ thể làm cơ sở để giải quyết các tồn tại, bất cập hiện hành. Đồng thời, chưa đáp ứng được thực tiễn. Hoạt động liên quan đến xã hội hóa và đầu tư tương đối đa dạng, phong phú, chịu sự điều chỉnh của một số luật khác có liên quan, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quản lý tài sản công... Bà Thuý Anh cho biết, qua quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến lựa chọn phương án 2 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo phương án này.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại Luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện.

Vì thế, dự thảo luật mới nhất chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1/1/2027.

Dự thảo Luật sau chỉnh lý

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.

Về bố cục của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương. Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Về chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại điểm h, khoản 1 Điều 20. Giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sỹ trình độ cao đẳng. Đồng thời bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với từng chức danh chuyên môn.

Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề (Điều 23) và Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 24), tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện. Lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước như quy định tại Điều 29.

Ngoài ra, về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo hướng: quy định người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Đồng thời, có lộ trình thực hiện và quy định các trường hợp, điều kiện được sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn của người phiên dịch và việc việc sử dụng ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ, người bệnh là người nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ