Cú sốc thuế quan?

GD&TĐ - Theo tờ Financial Times, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến cả châu Âu và châu Á lo ngại.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo tờ Financial Times, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến cả châu Âu và châu Á lo ngại, khi các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp giờ đây phải đối mặt với sự chuyển dịch sang hướng bảo hộ thương mại do Mỹ dẫn đầu.

Các quốc gia xuất khẩu của châu Âu, dẫn đầu là Đức, sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu ông Trump thắt chặt các hạn chế thương mại như đã tuyên bố. Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), Moritz Schularick, mô tả nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ là “thời khắc kinh tế khó khăn nhất” trong lịch sử hậu chiến của Đức.

Ông Moritz Schularick cho rằng, Đức đã không chuẩn bị để đối phó với những thách thức về chính sách thương mại mà nước này sẽ sớm phải đối mặt. Tuy nhiên, những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu không đến ngay lập tức và cũng không đơn giản.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, tuyên bố của ông Trump về việc giảm kéo dài vĩnh viễn Đạo luật Giảm thuế năm 2017 đối với các tập đoàn và người giàu sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Innes McFee - tổ chức nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics (Anh), các biện pháp kích thích tài khóa có thể chiếm ưu thế và là một điểm tích cực nhỏ trong tương lai gần. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt trong ngày sau chiến thắng quyết định của ông Trump khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng giảm thuế doanh nghiệp và bãi bỏ quy định.

Nếu ông Trump thực hiện kế hoạch áp mức thuế 20% đối với các nhà xuất khẩu ngoài Trung Quốc, quốc gia có thể bị áp mức thuế 60%, điều này sẽ làm tăng khả năng về các biện pháp thương mại đáp trả và có thể làm chệch hướng thương mại.

Tuy nhiên, sẽ mất nhiều tháng nữa trước khi các chi tiết về chính sách thương mại của ông Trump được công bố. Ông McFee nhận định, tác động tới phần còn lại của thế giới sẽ phụ thuộc vào quyết định cuối cùng về chế độ thuế quan của Mỹ.

Sáu năm trước, ông Trump tự nhận là “người đàn ông thuế quan” - Tariff Man. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông đề xuất mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Vì vậy, chính sách này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu ở châu Á.

Theo tổ chức Hinrich (Singapore), 10 thành viên của ASEAN có tỷ lệ thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội (trade-to-GDP ratio) là 90%, gấp đôi trung bình toàn cầu. Theo Viện Brookings (Washington DC), tỷ lệ này ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi cao hơn, đạt 105%. Tỷ lệ thương mại trên GDP là chỉ số đo lường mức phụ thuộc vào thương mại quốc tế của một nền kinh tế.

“Chúng ta có thể dự đoán động thái chuyển hướng chính sách sang bảo hộ nhiều hơn của Mỹ, điều không có lợi cho châu Á. Bởi hầu hết các nền kinh tế khu vực này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ”, ông Nick Marro - kinh tế trưởng châu Á tại Economist Intelligence Unit nói với Al Jazeera.

Trong khi đó, Alex Holmes - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Economist Intelligence trấn an rằng, hầu hết các thị trường và nhà hoạch định chính sách đều đặt giả định ông Trump sẽ không áp đặt toàn bộ thuế quan đã đề xuất.

Tuy nhiên, với tiền lệ khó đoán của ông, giới chuyên gia cho rằng, châu Á có thể cân nhắc những biện pháp để giảm thiểu tác động trước cú sốc thuế quan. Theo nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian từ Đại học Quốc gia Singapore, đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines sẽ phải chú ý đến các tác động dây chuyền từ thuế quan của Mỹ với Trung Quốc. Bởi, đây là quốc gia láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ