Cử nhân Trung Quốc tìm việc ở thành phố nhỏ

GD&TĐ - Sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc có xu hướng rời khỏi các thành phố lớn và tìm kiếm việc làm ở các địa phương có quy mô nhỏ hơn.

Người trẻ Trung Quốc tham gia ngày hội việc làm.
Người trẻ Trung Quốc tham gia ngày hội việc làm.

Điều này một phần do tình trạng thất nghiệp trong thanh thiếu niên.

Công ty tư vấn giáo dục Mycos đã tiến hành khảo sát sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng sinh viên mới tốt nghiệp nhận công việc bên ngoài các thành phố đô thị loại 1. Năm 2018, chỉ 20% số người được hỏi làm việc ở các thành phố, tỉnh nhỏ nhưng đến năm 2022, con số này tăng lên 25%.

Mycos đánh giá sự gia tăng này do nhiều yếu tố như sinh viên tốt nghiệp muốn chuyển về sống gần gia đình, không muốn tạo áp lực lớn khi làm việc ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố nhỏ cũng mang đến nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công. Điều này phù hợp với tư duy của người trẻ sau dịch Covid-19 là mong muốn công việc nhà nước ổn định, ít bị đào thải.

Báo cáo của Mycos chỉ ra số lượng lớn cử nhân Trung Quốc làm việc tại các tỉnh, thành phố nhỏ là làm việc trong lĩnh vực công. Nam giới trong nhóm này có nhiều khả năng làm việc trong các cơ quan chính phủ, hành chính công còn nữ giới làm việc trong lĩnh vực giáo dục.

Những phát hiện trên phản ánh sự thay đổi đáng kể về ưu tiên của giới trẻ Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, phần lớn sinh viên tốt nghiệp chọn bắt đầu sự nghiệp ở các thành phố lớn, nơi tập trung những công việc được trả lương cao, có tiếng tăm. Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn tăng chóng mặt và cạnh tranh việc làm sau tốt nghiệp trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Các sáng kiến của Chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích sinh viên tốt nghiệp trở về quê hương cũng mang lại hiệu quả. Đơn cử, huyện Suichang, tỉnh Chiết Giang sẽ cấp nhà ở trị giá 300 nghìn nhân dân tệ và trợ cấp sinh hoạt hàng năm 30 nghìn nhân dân tệ trong 5 năm cho những người có bằng thạc sĩ nếu họ làm việc cho doanh nghiệp địa phương. Kế hoạch này đã thành công thu hút cử nhân tại các thành phố lớn.

Anh Yang Peng, 27 tuổi, là một trong nhiều người trẻ quyết định trở về nhà sau thời gian ngắn trải nghiệm cuộc sống ở thành phố lớn. Sau khi nhận bằng thạc sĩ ở Anh vào tháng 9/2022, anh trở về Trung Quốc và làm việc ở Thượng Hải. Tuy nhiên, công việc quá căng thẳng nên sau 2 tháng, anh quyết định nghỉ việc.

Sau đó, Yang trở về quê hương huyện Xiushui, tỉnh Giang Tây. “Cuộc sống ở Thượng Hải giống như đi tàu lượn siêu tốc và nó làm tôi cảm thấy khó thở”, Yang nói.

Từ khi chuyển về nhà, Yang có bạn gái là đồng hương. Cô ấy học đại học tại Giang Tây và đang làm công chức ở Xiushui. Yang cũng cảm thấy ấm áp khi được gần gũi bên gia đình, nhất là sau thời gian sống trong vòng phong tỏa ở Anh do dịch Covid-19.

“Chất lượng cuộc sống của tôi ở quê nhà tốt hơn ở Thượng Hải. Tôi có thể dành thời gian cho bố mẹ, hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình và gắn bó với bạn gái”, anh Yang nói.

Cử nhân rời các thành phố lớn nhìn chung hài lòng với công việc của họ. Gần 60% người được hỏi ở tỉnh, thành phố nhỏ gắn bó từ 5 năm trở lên với công việc của họ. Thu nhập trung bình hàng tháng tăng từ hơn 4.600 nhân dân tệ vào năm 2018 lên hơn 5.300 nhân dân tệ vào năm 2022. Tỷ lệ hài lòng với công việc trung bình tăng từ 67% lên 76%.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng hợp mẫu cv chuyên nghiệp