Cử nhân Trung Quốc phải lao động chân tay

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều cử nhân các ngành phổ biến không thể tìm việc làm, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc tăng cao.

Sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm vì thị trường lao động Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm vì thị trường lao động Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Nhiều cử nhân các ngành phổ biến như giáo dục, công nghệ... không thể tìm việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc tăng cao. Một số phải chuyển sang làm trái ngành, thậm chí làm các công việc tay chân.

Tốt nghiệp ngành Toán ứng dụng, chị Liang Huaxiao, 25 tuổi, đã dành 2 năm để xin việc tại các công ty công nghệ Trung Quốc nhưng không được nơi nào tuyển dụng. Sau đó, chị chuyển sang làm nhân viên kinh doanh và chăm sóc khách hàng nhưng kết quả không mấy khả quan. Cuối cùng, chị làm nhân viên bán hàng cho một tiệm bánh và thẩm mỹ viện.

“Tìm việc làm bây giờ thực sự rất khó khăn. Khi tôi bảo tôi sẵn sàng làm lao động chân tay, mẹ tôi đã bật khóc. Bà cảm thấy tiếc cho tôi vì đã mất công học hành”, chị Liang cho biết.

Còn anh Wang, cử nhân ngành lập trình, 23 tuổi, chỉ kiếm được chưa đến 420 USD (khoảng 9,8 triệu đồng) mỗi tháng khi làm nhân viên giao đồ ăn bán thời gian ở thành phố Tế Ninh, miền Đông Trung Quốc.

Chia sẻ về lý do làm trái ngành, Wang cho biết: “Yêu cầu đầu vào của ngành lập trình liên tục tăng. Tôi không thể tìm được việc làm ở những công ty công nghệ lớn, trong khi các công ty nhỏ không trả tiền lương làm thêm ngoài giờ”.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4/2023. Trong bối cảnh đó, 11,58 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào mùa Hè này, tăng 820.000 so với năm 2022.

Vì quá mệt mỏi trước thị trường lao động ngày càng khó khăn, Wang quyết định về quê làm nghề giao hàng và ôn luyện cho kỳ thi công chức.

Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa có trình độ học vấn cao, Liang và Wang phải làm trái nghề, thậm chí làm công việc chân tay, để cố gắng duy trì nguồn thu nhập trong bối cảnh thị trường việc làm dành cho thanh niên ở Trung Quốc rơi vào khủng hoảng.

Ảnh hưởng của Covid-19 khiến cử nhân ở Trung Quốc các lĩnh vực phổ biến như công nghệ, giáo dục, bất động sản và tài chính chịu nhiều thiệt thòi. Các nhà kinh tế dự đoán ngày càng nhiều người có bằng đại học như Liang sẽ thất nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn và bắt đầu mở rộng các trường đào tạo nghề để lấp đầy sự thiếu hụt trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến. Chính quyền một số địa phương như Thượng Hải... cũng trao gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nếu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp năm 2023.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của nhà nước, vấn đề thiếu việc làm dành cho thanh niên Trung Quốc vẫn đặc biệt nghiêm trọng. Ước tính, một sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp phải cạnh tranh với 50 người khác để giành được việc làm tại một công ty nhỏ ở Bắc Kinh.

Trái ngược với bối cảnh trên, nhiều ngành nghề vẫn khát nhân lực, nhất là những ngành sản xuất truyền thống tại Trung Quốc. Các công ty sản xuất rất thiếu kỹ sư và lao động lành nghề trong khi lực lượng lao động hiện nay ở các nhà máy đang già hóa. Theo khảo sát hồi tháng 2, 95% học viên nghề như hàn xì, sửa ống nước... không gặp nhiều khó khăn khi tìm việc.

Chuyên gia kinh tế Keyu Jin nhìn nhận: “Giáo dục Trung Quốc đi trước nền kinh tế, có nghĩa là nhiều bằng cấp hơn mức cần thiết tại một nền kinh tế dựa vào sản xuất. Có sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng và thực tế của hoàn cảnh kinh tế”.

Theo Reuters, SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ