Cử nhân Trung Quốc chật vật tìm việc làm

GD&TĐ - Hàng triệu thanh niên Trung Quốc tốt nghiệp đại học nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp.
Hàng triệu thanh niên Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào tháng 6 tới, khi 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc ra trường.

Tốt nghiệp cử nhân đại học cách đây 2 năm, anh Tony Bie, sống tại Trung Quốc, hiện vẫn thất nghiệp và sống cùng bố mẹ. “Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại học đại học. Nếu tôi tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thì có lẽ bây giờ tôi đã là một nhà quản lý”, anh Tony bày tỏ.

Dù vậy, chàng trai 23 tuổi dự định học lên thạc sĩ vì tấm bằng này sẽ tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Nhưng anh Tony đã thi trượt cao học 3 lần liên tiếp. Tony là một trong khoảng 30 triệu thanh niên thất nghiệp tại Trung Quốc. Dữ liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 16 đến 24 tuổi trên toàn quốc hiện là 19,5%, cao hơn gần 3% so với tháng 12 năm 2022. Con số này gia tăng bất chấp việc Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách “không Covid” và bước sang trạng thái bình thường mới.

Giáo sư Hans Hendrischkle, giảng viên ngành Quản lý và Kinh doanh Trung Quốc, Đại học Sydney, Australia, nhìn nhận: Tác động của chính sách “không Covid” đối với khu vực tư nhân và người trẻ tuổi là rất đáng lo ngại. Hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn chú trọng khá nhiều vào giáo dục phổ thông nên hoạt động hướng nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng sau khi ra trường cho thanh niên còn hạn chế.

Thầy giáo Tao Yu, giảng viên cao cấp Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Tây Australia, phân tích: Giới trẻ Trung Quốc tin rằng nền giáo dục tốt sẽ mang lại công việc được trả lương cao. Tuy nhiên, ba năm ‘chiến đấu’ với Covid-19 khiến nhu cầu lao động sụt giảm, đồng nghĩa có ít việc làm hơn cho cử nhân đại học.

“Ngoài ra, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay chưa phù hợp với một số nhu cầu của thị trường việc làm. Bằng tốt nghiệp đại học đã không thể đảm bảo cho người trẻ một công việc tốt với mức lương cao nên họ ngày càng mông lung”, thầy Tao Yu chia sẻ.

Các chuyên gia cảnh báo, vấn đề sẽ ngày càng trầm tọng hơn trong thời gian tới. Năm 2022, hơn 10 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp nhưng năm nay, dự kiến, 11,6 triệu người sẽ tốt nghiệp.

Trong khi đó, các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục, bất động sản đang thu hẹp đáng kể nhu cầu tuyển dụng và sa thải công nhân hàng loạt. Nhiều gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc đã sa thải hàng nghìn nhân viên. Đơn cử, tập đoàn Alibaba đã sa thải ít nhất 19.000 nhân viên vào năm 2022.

Khi người trẻ không thể tìm việc làm trong thị trường đầy biến động như vậy, họ quay lại nghi ngờ về giá trị của bằng cấp mà mình đã nỗ lực phấn đấu để có được. Anh Alan Rong, 26 tuổi, đã bất ngờ bị sa thải vào tháng 2 vừa qua khi đang làm cho một công ty bất động sản ở tỉnh Sơn Đông. Dù vậy, chàng trai trẻ không ngạc nhiên.

Sở hữu bằng cử nhân Quản lý Kỹ thuật, anh Alan Rong cho biết sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường bất động sản trong 3 năm qua đã gây ra tình trạng mất việc làm. Anh không thể tìm được công việc mới trong một thị trường “khốc liệt” như vậy.

“Thỉnh thoảng cha mẹ tôi sẽ nhắc đến những người không học đại học đang làm việc tại các công trường xây dựng và có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Họ thắc mắc tại sao tôi không thể tìm được một công việc tốt. Tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai và việc học đại học đã bị lãng phí”, anh Alan bày tỏ.

Theo ABC Au

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.