Bằng trải nghiệm của chính bản thân, thông qua cuốn sách đầu tay “Đã thi là phải giật giải” mới được ra mắt mới đây, Anne Nguyên Lê đã mang đến những chia sẻ tỉ mỉ và cụ thể nhất trong việc ứng tuyển học bổng vào trường quốc tế (cụ thể là trường RMIT), từ việc chuẩn bị giấy tờ đến cách trình bày hồ sơ như thế nào để tạo ấn tượng với Hội đồng xét tuyển. Bên cạnh đó, Thảo Nguyên còn mang đến kinh nghiệm trong việc “đàm phán” với bố mẹ trước cánh cửa vào đại học, với những băn khoăn mà hầu hết các bạn học sinh THPT đều đang gặp phải, như chọn ngành gì, trường nào, ở đâu…
“Đã thi là phải giật giải!” còn là nguồn khích lệ các bạn trẻ học giỏi, biết xác lập mục tiêu và nỗ lực sáng tạo, vượt khó. Cuốn sách có thể trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những học sinh, sinh viên đang nuôi trong mình giấc mơ được học tập dưới những ngôi trường quốc tế.
Anne Nguyên Lê - tác giả cuốn sách “Đã thi là phải giật giải”.
Anne Nguyên Lê cho biết, cuốn sách “Đã thi là phải giật giải” được viết trong vòng một năm, từ tháng 6/2015 - tháng 6/2016. Đây cũng chính là khoảng thời gian Nguyên Lê tham gia chương trình Trao đổi sinh viên của RMIT sang Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam (Amsterdam University of Applied Sciences) tại Hà Lan trong 6 tháng. Khoảng 70% nội dung của cuốn sách được Thảo Nguyên viết trong thời gian học ở Hà Lan, do visa thuộc dạng trao đổi du học chỉ có 8 tháng nhưng người chủ họ chỉ nhận người làm ít nhất 1 năm nên Lê đã dành thời gian để viết sách.
Ban đầu, Nguyên Lê chỉ định viết về cách xin học bổng, nhưng do em gái ở quê cũng đang có những thắc mắc về lựa chọn con đường tương lai. Thấy được hình ảnh của mình trong câu chuyện của em gái và cũng là thắc mắc chung của rất nhiều học sinh THPT nên Nguyên Lê đã dành 1 chương cho học sinh THPT để có thể giúp các em định hướng cho sự nghiệp sau này.
Anne Nguyên Lê chia sẻ, việc viết sách là để chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các em THPT. Nguyên từ một vùng quê lên, ở dưới đó có thể xem là giỏi, là số 1. Nhưng khi lên Sài Gòn mới biết mình không là gì ở trên này hết. Và Nguyên cảm thấy so với các bạn ở Sài Gòn, thì các em học sinh ở quê vẫn còn thua thiệt rất nhiều. Nguyên đã lên đây, có thể trụ lại được ở đây, có thể làm được cái gì đó thì Nguyên nghĩ mình nên chia sẻ với các em ở quê để các em có thể một phần nào đó được nghe. Bởi vì Nguyên cũng chỉ là con người bình thường, không phải “con nhà người ta”, IQ không phải 160 nhưng Nguyên đã làm được, và Nguyên mong muốn truyền động lực này cho các em, để các em cũng có thể làm được”.
Theo cảm nhận của Nguyên, hình như chưa có một tác giả nào viết cặn kẽ về chương trình giáo dục của Việt Nam như có bao nhiêu kỳ thi học sinh giỏi, hoạt động ngoại khóa như thế nào, những giải thưởng Olympia, Olympic như thế nào…Chính vì vậy, Nguyên muốn viết một cuốn sách sát với tình hình của Việt Nam, để các em THPT đọc và thấy được đây là câu chuyện người thật việc thật, do một tác giả Việt Nam viết nên. Nguyên chỉ muốn nhắn nhủ rằng: tác giả của câu chuyện này ở quê đã làm được thì không có gì mà các em không làm được”.
Nguyên Lê cho rằng, những quyết định trong cuộc sống vô cùng quan trọng bởi khi mình đi làm ở một công ty nào đó, nó rất tốn thời gian của mình, mà thời gian là một thứ rất quý. Cho nên, đã không làm thì thôi, nếu đã làm thì phải làm tới cùng. Đi thi cũng vậy. Nếu đã thi là phải giật giải.
Anne Nguyên Lê tên đầy đủ là Lê Nguyễn Thảo Nguyên, sinh năm 1994. Năm 2012, Thảo Nguyên trở thành sinh viên ngành Tài chính quốc tế của Đại học Ngoại Thương (cơ sở 2); sau đó, bằng những nỗ lực bền bỉ, Thảo Nguyên đã ứng tuyển và nhận được học bổng toàn phần của Đại học RMIT vào năm 2013, chuyên ngành Marketing của Đại học RMIT Việt Nam. Trước đó, Nguyên là học sinh của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - một trường huyện bình thường ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Hiện, Thảo Nguyên đang giữ vai trò Digital Marketer cho một công ty tại TP.Hồ Chí Minh.