Vụ nghi ngộ độc bánh mì ở Long Khánh: 555 ca nhập viện, có trẻ diễn tiến nặng

GD&TĐ - Liên quan đến vụ nghi ngộ độc bánh mì ở Thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), đã có 555 ca nhập viện, nhiều trẻ diễn tiến nặng.

Số ca nhập viện điều trị tiếp tục tăng, nhiều ca tiên lượng nặng.
Số ca nhập viện điều trị tiếp tục tăng, nhiều ca tiên lượng nặng.

Sáng 4/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến gần 8 giờ cùng ngày, đơn vị ghi nhận có 555 ca ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Cô Băng (Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai); trong đó có 6 ca nặng và 2 ca rất nặng...

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có 12 ca bệnh nhi đang được điều trị; trong đó có 2 ca tiên lượng rất nặng, đang lọc máu và điều trị tích cực; 2 ca nặng.

Trước tình hình này, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) gồm PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc bệnh viện và PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực bệnh viện đã có mặt trực tiếp, hội chẩn phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục điều trị cho các bệnh nhi.

Là 1 trong 2 bác sĩ có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để hội chẩn và điều trị cho các bệnh nhi, BS Phạm Văn Quang, cho biết, có 2 ca rất nặng. Một bệnh nhi 6 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng. Bệnh nhi còn lại bị sốc nặng.

“Chúng tôi đã hội chẩn, tiến hành lọc máu để cố gắng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Hiện, huyết động học của 2 bệnh nhi này tạm ổn định nhưng 1 cháu 6 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch”, BS Quang thông tin.

Trước đó, ngày 3/5, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã buổi làm việc với Sở Y tế Đồng Nai.

Cụ thể, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm đề nghị ngành Y tế Đồng Nai yêu cầu tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để cứu chữa cho các bệnh nhân vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là những bệnh nhân nặng.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cần rà soát, kiểm tra những bệnh nhân nào ổn định sức khỏe thì cho xuất viện để tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng hơn.

Toàn cảnh buổi làm việc của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) với Sở Y tế Đồng Nai.

Toàn cảnh buổi làm việc của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) với Sở Y tế Đồng Nai.

“Sở Y tế cần thống nhất trong phát ngôn, tránh thông tin không nhất quán về vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tiên lượng xem có thêm bệnh nhân mới không để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, giường bệnh, nhân lực phục vụ công tác điều trị. Các ngành chức năng của Đồng Nai cần rà soát lại các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, tránh lặp lại những vụ việc tương tự”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Như Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, Tiệm bánh mì Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) mỗi ngày kinh doanh trên 1 ngàn ổ bánh mì. Tiệm phục vụ 2 buổi/ngày. Buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến 19 giờ. Nguyên liệu được sơ chế và chế biến tại tiệm.

Theo báo cáo của đại diện tiệm bánh mì Cô Băng, trong ngày 30/4, tiệm phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt và khoảng 500 ổ bánh mì thịt từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 1/5.

Khoảng 5 giờ ngày 1/5, người dân ăn bánh mì vào ngày 30/4 xuất hiện các dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, sốt…

Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai tiếp nhận hàng loạt người vào viện cấp cứu, với các triệu chứng: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng do ăn bánh mì.

Bước đầu xác định, tất cả các bệnh nhân đều có ăn bánh mì thịt của tiệm bánh mì Cô Băng nằm trên đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh. Thời gian ăn bánh mì từ 15 giờ đến 19 giờ ngày 30/4.

Sau ăn bánh mì khoảng 4 đến 8 giờ thì xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt… Một số trường hợp đã tự mua thuốc uống tại nhà và nhập viện vào sáng 1/5.

Theo ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ