Vừa kết mạng qua mạng đã tặng quà nghìn đô
Cũng theo chị N, sau khi kết bạn, hai bên thường xuyên trò chuyện, nhắn tin trên mạng. Khoảng 1 tháng sau, Patrick thông báo chị N sẽ nhận được 1 thùng quà tặng gồm 1 điện thoại Iphone, giày dép, quần áo, đồ trang sức và 10.000 USD tiền mặt. Nơi nhận là sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Tuy vậy, để nhận được hàng, chị N phải chuyển khoản 12 triệu đồng gọi là tiền cước phí tới tài khoản số 0602111345… tên Lưu Thi Nam ở TP.HCM.
Sau khi chuyển tiền xong, đợi mãi không thấy bên gửi thông báo đến nhận quà, chị N nhắn tin qua Zalo thì nhận được câu trả lời “do trong hành lý có ngoại tệ là 10.000 USD nên muốn nhận quà, chị N phải nộp tiền phạt là 35 triệu đồng và 1000 USD tiền cài bảo mật”. Trước món quà có giá trị lớn, dù phải vay mượn khắp nơi, chị N vẫn tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản trên, song chị vẫn phải đợi chờ trong vô vọng.
Ít ngày sau, đối tượng Patrick lại liên lạc với chị N qua Zalo nói muốn nhận được hàng phải chuyển 1500 USD nữa. Một phần vì không thể xoay thêm tiền, một phần do nghi ngờ nên chị N không thực hiện theo đề nghị trên. Chị cũng đã gọi điện cho bên nhận tiền là Lưu Thị Nam thì thấy “ngoài vùng phủ sóng”, còn nhắn tin qua Zalo không có hồi âm.
Những tờ phiếu chuyển tiền qua ngân hàng của chị N
Điều đáng nói là gần đây, chị N lại nhận được yêu cầu kết bạn của 2 người khác trên Zalo. Sau khi thăm hỏi về cuộc sống của chị, biết chị bị lừa, nợ nần chồng chất, họ ngỏ ý giúp đỡ chị về tài chính bằng cách tặng quà và tiền để trả nợ.
Tuy vậy, những người này cũng cho biết, hiện gói quà họ tặng chị N gồm rất nhiều ngoại tệ và đồ trang sức có giá trị lại đang nằm trong kho tại sân bay. Để nhận quà, chị N tiếp tục phải chuyển 12 triệu đồng. Khi chị N trả lời không có tiền chuyển thì 1 người tự nhận là nhân viên công ty đang giữ gói hàng này gọi điện thông báo nếu chị N không đến nhận sẽ chuyển hàng tới cơ quan công an, đồng thời gửi ảnh chụp gói hàng cho chị.
“Đến thời điểm hiện tại, số tiền tôi đã chuyền đi khoảng 80 triệu đồng song quà vẫn chỉ là “bánh vẽ”. Tôi đang băn khoăn không biết có nên tiếp tục chuyển tiền để lấy quà tặng về trả nợ không"– chị N thở dài.
Cách đây không lâu tại Thành phố Cần Thơ cũng xảy ra vụ việc tương tự. CATP Cần Thơ đã tạm giữ hình sự đối với Monthe De Fouda Martial (29 tuổi, quốc tịch Cameroon); Nguyễn Hằng Tcheuko Minh (35 tuổi, sinh tại Cameroon, quốc tịch Việt Nam) và Ifeanyi Mathew Anthony (28 tuổi, quốc tịch Nigeria), để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Hồng (ở phường Hưng Lợi)
Sau khi bị bắt, tại cơ quan công an, Anthony thừa nhận đã cùng 1 số đối tượng khác thực hiện hành vi lừa đảo chị Hồng. Chúng rủ 1 người Việt Nam trong vai nhân viên công ty chuyển hàng quốc tế gọi cho chị Hồng nói có thùng hàng từ Mỹ gửi về và yêu cầu nạn nhân đóng phí hải quan 1.600 USD, sau đó chuyển thêm 10.500 USD để “lo hải quan”…Cả tin, chị Hồng đã nhanh chóng “sập bẫy”.
Cần cảnh giác với chiêu lừa bỗng dưng được giai đẹp “tặng quà”
Thời gian qua, cơ quan công an tại nhiều địa phương đã tiếp nhận đơn trình báo của hàng chục bị hại tố cáo bị người nước ngoài lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, thông thường có 2 nhóm tội phạm câu kết chặt chẽ với nhau là người nước ngoài và người Việt Nam. Trong đó, những người nước ngoài chịu trách nhiệm lập Facebook, Zalo giả. Sau khi chủ động kết bạn, làm quen với chị em phụ nữ, buông lời tán tỉnh, các đối tượng này sẽ tặng quà, tặng tiền, thậm chí hứa về Việt Nam sinh sống và đi du lịch cùng bị hại.
Món quà...qua ảnh mà bên gửi cho biết đã chuyển cho chị N nhưng đang bị cơ quan chức năng giữ
Nhóm thứ 2 là người Việt Nam thường sử dụng sim rác để đóng giả nhân viên của công ty chuyển phát quốc tế, cán bộ Hải quan, cán bộ An ninh sân bay… để gọi thông báo cho bị hại về việc nhận quà hoặc tiền về Việt Nam nhưng bị cơ quan chức năng ở sân bay giữ lại, đồng thời thúc giục nạn nhân nộp nhiều khoản phí bằng cách chuyển tiền để chuộc hàng.
Nếu bị hại sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ khoá facebook, bỏ sim rác, nhanh chóng chuyển tiền chiếm đoạt được qua nhiều tài khoản khác nhau của nhiều ngân hàng. Sau đó chúng sẽ rút tiền ở ngân hàng nước ngoài.
Liên quan đến hành vi trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng,khi được thông báo có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về, mỗi cá nhân cần cảnh giác vì rất có thể đó là chiêu thức lừa đảo mới. Những bưu phẩm này thường có dấu hiệu: Người gửi quà là người nước ngoài, mới quen, quen qua mạng xã hội, chưa từng gặp mặt hoặc gặp mặt 1, 2 lần và chỉ liên hệ qua mạng xã hội song lại gửi quà tặng có giá trị cao.
Thông thường, nếu người nhận có địa chỉ ở miền Nam thì hàng sẽ được thông báo là ở sân bay Nội Bài, Hà Nội và ngược lại nhằm khiến người nhận khó có thể đến xác minh. Tiếp theo đó sẽ có người gọi điện yêu cầu đóng tiền thuế hải quan và tiền phạt vì trong đó có tiền, trang sức, vàng bạc kèm theo lời “dọa” nếu không gửi tiền, hàng sẽ bị trả lại hoặc bị tịch thu…
Về chế tài xử lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu cho biết, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 BLHS 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm (hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm) đến phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Để tránh tiền mất tật mang, chị em cần thận trọng với các mối quan hệ trên mạng xã hội, đặc biệt là người nước ngoài, không nên nghe theo lời dụ dỗ tán tỉnh ngon ngọt, không gửi tiền cho người lạ. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an kịp thời có biện pháp phối hợp ngăn chặn – Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyên.