Cú hích chuyển từ dạy truyền thống sang online

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, “cái khó ló cái khôn”, Covid-19 như cú hích để toàn hệ thống chuyển từ dạy học truyền thống sang online.

Dạy học trên truyền hình - giải pháp được nhiều địa phương áp dụng trong mùa dịch Covid-19.
Dạy học trên truyền hình - giải pháp được nhiều địa phương áp dụng trong mùa dịch Covid-19.

Cái khó ló cái khôn

Theo TS Trịnh Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương), dịch Covid-19 khiến các trường học phải tạm dừng dạy - học tập trung và thay đổi kế hoạch trong GD-ĐT. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà trường (từ mầm non đến đại học) thúc đẩy phương thức dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong dạy - học. 

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, dạy học trực tuyến là giải pháp hợp tình, hợp lý; giúp học sinh củng cố và không làm gián đoạn kiến thức; đồng thời bảo đảm chất lượng học tập và tính khả thi trong việc thực hiện kế hoạch năm học. Nói rộng hơn, đây được coi là xu thế tất yếu trong tương lai” - TS Tùng nhận định, đồng thời cho rằng: Dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giai đoạn này giúp bảo đảm giãn cách xã hội, tiết kiệm thời gian và chi phí; đồng thời, người học có thể tự học ở mọi không gian và thời gian, dễ dàng tìm kiếm và lưu giữ tài liệu. Đây cũng là quá trình chuyển đổi số theo xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục thời kỳ 4.0.

Cho rằng, trong “cái khó ló cái khôn”, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Dịch Covid-19 như cú hích với các trường đại học nói riêng, ngành Giáo dục nói chung có thêm động lực, quyết tâm để đổi mới hình thức và phương pháp dạy - học. 

Theo GS Phạm Quang Minh, trước khi Covid-19 xuất hiện, cơ sở GD đã có bước chuyển đổi sang công nghệ số bởi thuận lợi như kết nối, chia sẻ... Khi thực hiện giãn cách xã hội, phải giữ khoảng cách, rõ ràng kỹ thuật số, giáo dục số là chìa khóa, công cụ rất hữu hiệu trong GD-ĐT. Có thể nói, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo kịp thời các trường tổ chức dạy học trực tuyến và thực hiện đúng khẩu hiệu “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Chính vì thế, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học. 

Điều kiện bảo đảm dạy học trực tuyến

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học trực tuyến.                 Ảnh: NTCC

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Ngành Giáo dục cũng bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch này, các trường học có thể tạm thời đóng cửa, học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh. 

Tuy nhiên, ngành Giáo dục xác định, sẽ biến nguy cơ thành cơ hội, trong đó tập trung đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn. Để tổ chức dạy – học trực tuyến hiệu quả, cần có những điều kiện bảo đảm như hạ tầng công nghệ thông tin; Giáo viên và học sinh phải có thiết bị kết nối mạng... 

Ngoài ra, cần đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực: Giáo viên phải được tập huấn, sử dụng thành thạo phương pháp dạy học trực tuyến; Học sinh được hướng dẫn cách thức tham gia các hoạt động dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, phải có hướng dẫn về quy trình, quy chế tổ chức dạy học trực tuyến, cách kiểm tra đánh giá và công nhận kết quả. Đó là những điều kiện cần có để việc dạy học trực tuyến hiệu quả, chất lượng.

Nhận định, dịch Covid-19 không biết khi nào mới khống chế được hoàn toàn, ông Nguyễn Sơn Hải trao đổi: Từ thực tế khách quan, chúng ta phải nhanh chóng chuyển dịch từ dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến. Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn hình thức dạy học này.

Theo đó, tùy từng điều kiện bảo đảm nêu trên, các trường, địa phương sẽ có giải pháp ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Với những học sinh vùng khó khăn, nếu không có Internet, không có thiết bị đầu cuối, Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các đài truyền hình tổ chức dạy học trên truyền hình, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho học trò.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận học sinh thậm chí chưa tiếp cận với đài truyền hình, chưa có thiết bị đầu cuối và cũng chưa có Internet để học trực tuyến, giáo viên có biện pháp gửi bài tới học sinh, để củng cố kiến thức cho các em.

“Trong thời gian tới, để bảo đảm các điều kiện liên quan đến hạ tầng kỹ thuật khi tổ chức dạy – học trực tuyến cho thầy - trò vùng khó, chúng tôi đã hoàn thiện chính sách về tổ chức quản lý dạy học trực tuyến. Qua đó, các nhà trường sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, có thể huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, đóng góp cho giáo dục vùng khó. Tôi tin rằng, khi chúng ta có chính sách tốt và xuất phát từ nhu cầu chính đáng, xã hội sẽ chung tay” – ông Nguyễn Sơn Hải nói.

Chúng tôi đang kết hợp với Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ để tập trung xây dựng kho học liệu trực tuyến. Qua đó thu thập bài giảng mà giáo viên, nhà trường đã xây dựng, sử dụng trong thời gian vừa qua để tạo thành kho học liệu số quốc gia, nhằm phục vụ giáo viên, học sinh trong các hoạt động dạy - học trực tuyến.
Ông NGUYỄN SƠN HẢI

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ