Cụ bà 20 năm đi xe bus với bộ sưu tập “giá cả giao thông“

GD&TĐ - Trong khi đa phần người dân không mặn mà lắm với phương tiện giao thông công cộng thì cụ bà Nguyễn Thị Hoài An (81 tuổi, đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp) lại có thâm niên hơn 20 năm đi xe bus. Đặc biệt, sau mỗi chuyến đi, cụ thường có thói quen lưu giữ lại những tấm vé xe. Đến nay, bộ sưu tập vé xe bus của cụ An đã lên đến con số hàng ngàn.

Cụ bà 20 năm đi xe bus với bộ sưu tập “giá cả giao thông“

Là người chứng kiến những thăng trầm của phương tiện công cộng này, cụ An nói, dù thế nào cụ cũng sẽ đồng hành cùng xe bus đến khi nào mỏi gối chồn chân, vì tính tiện lợi và quan trọng là “được yên bình ngắm thành phố, nhìn dòng người, những tòa nhà cao tầng đẹp xinh… thấy tự hào khi là người con của Sài Gòn”.

Những tấm vé thông hành

Trong gói giấy báo cũ kỹ mà cụ giở cho khách xem là hàng ngàn tấm vé xe bus, có những vé đã ngả màu vàng ố theo thời gian; có những vé còn mới tinh tươm, thơm mùi bụi đường.

Cụ An nói, tập vé hoen màu mệnh giá một ngàn đồng có từ hồi năm 2002, khi đó xe bus thành phố bắt đầu được hồi sinh và đây là mức trợ giá. “Xấp này là nhiều nhất, tổng tiền vé cũng tầm vài triệu bạc. Những ngày ấy, người ta đi xe bus đông lắm. Phố phường thoáng đãng nên lòng người cũng nên thơ, ngồi xe mãi không chán” - cụ cười hấp háy.

Rồi cụ chỉ vào từng xấp vé giải thích, xấp này giá 2.000 đồng/1 vé vì bà được miễn giảm cho tuổi già nhưng vẫn mua ủng hộ vì “thương tụi nhỏ ế khách quá”; xấp kia giá 3.000 đồng/1 vé và giờ là xấp giá 6.000 đồng/1 vé; còn có cả xấp giá 10.000 đồng/1 vé mà bà thường sử dụng khi ra sân bay đưa đón cô con gái đầu bên Canada.

“Cứ đi được một trăm ngàn tiền vé là bà gói lại. Được một triệu thì bà lấy ghim bấm vào, cột dây thun từng cọc. Tính ra đến nay cũng phải ngót 30 triệu tiền vé xe bus…”.

Những tấm vé xe bus khi đi hết một hành trình thường trở thành thứ vô nghĩa, nhưng với cụ Hoài An, sau mỗi tấm vé là một chuyến đi gắn liền với câu chuyện nào đó.

Những tấm vé xe bus như những chứng tích, những kỷ niệm để đến khi không còn có thể đi lại được, ngắm nhìn nó, biết mình đã làm được những gì, tự nhủ mình đã từng có một “tuổi già sôi nổi”.

Có tấm vé đưa cụ về tít Củ Chi, thăm địa đạo; có tấm vé đưa cụ đến Biên Hòa, gặp những người bạn vong niên thời son trẻ; có tấm vé đưa cụ ra bến xe miền Tây rồi bắt xe về Cần Thơ thăm người Tây Đô thông cầu mà suýt lỡ cả chuyến đò về.

Hay chuyến xe đưa cụ xuống Gò Đen thăm mộ cụ ông hay những tấm vé đưa cụ ra Bình Thạnh ở vài bữa với cô con gái út. “Đi miết, đi hoài đến nỗi nhiều anh lái xe quen mặt thuộc tên, coi bà như người nhà vậy. Bước lên xe, hỏi thăm những người mình quen, biết rằng họ vẫn bình an, khỏe mạnh. Như thế là mừng lắm con à…” - cụ An hồ hởi nói.

“Yêu Sài Gòn qua những ô cửa”

Nói về cái duyên đi xe bus, cụ An kể rằng, ngày trước, cụ làm ở HTX Vận tải số 5, thường xuyên phải di chuyển nên chọn xe bus. “Rồi dần dà, yêu xe bus lúc nào không hay. Bất kể đi đâu từ đi chợ, thăm người quen, đi công chuyện, bà cũng lựa chọn xe bus”.

Và với cụ, cũng chính từ những chuyến xe đó, cụ thấy yêu đời hơn, thấy tuổi già đáng sống hơn và đặc biệt là yêu hơn mảnh đất Sài Gòn. “Đi để thấy thành phố đổi thay từng ngày, những tòa nhà cao tầng, những khu dân cư mới, những cây cầu dài, những cao tốc mọc lên… Rồi ngồi trên xe bus, đoán tỉnh thành qua những biển số xe máy, mới thấy Sài Gòn dễ sống nhường nào…” - cụ An chia sẻ.

Hàng trăm tuyến xe bus đều được cụ Hoài An ghi chép lại cẩn thận, gói lại cùng với những xấp vé. “Cứ thấy tuyến nào mới là bà phải đi thử. Đi để xem nó đưa mình đến đâu, để được biết thêm những vùng đất mới, qua chính những ô cửa sổ”.

Mỗi chuyến xe bus mỗi cảm xúc, hàng ngàn chuyến xe bus đã đi qua nhưng cụ An thích nhất được ngồi trên những chiếc xe bus lam cũ kỹ, gió trời thông thốc thổi, người với người sát lại với nhau, đôi khi cho nhau trái bắp luộc, san nhau bịch tráng trộn, thấy đời son trẻ. Còn trên những chuyến xe bus mới hiện đại, cụ lại như nhìn thấy tuổi già của mình, nhăn nheo, lọm khọm trên những ô cửa kính bóng loáng.

“Thành phố mình giờ đông đúc quá. Phương tiện cá nhân, ô tô, xe máy nhiều quá. Khách xe bus phần nhiều là sinh viên. Nếu có nhiều hơn người dân đồng hành với xe bus thì chắc chắn tắc đường sẽ bớt thôi” - cụ An nhấn mạnh.

Cụ Hoài An giờ sắp bước sang tuổi 82 với biết bao căn bệnh tuổi già. Cụ nói, cụ chỉ ước trời cho thêm sức khỏe, để mỗi ngày được đi thêm một chuyến xe, ngồi đến cuối cuộc hành trình, ngắm nhìn phố phường tấp nập. “Người ta thích đi đó đi đây, sang Tây sang Tàu, riêng bà chỉ thích được đi du lịch hết Sài Gòn này trên những chuyến xe bus cho đến khi nào không thể đi được nữa thì mới thôi!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.