CPI tháng 7/2013: Lo ngại những diễn biến bất thường

CPI tháng 7/2013: Lo ngại những diễn biến bất thường

(GD&TĐ) - Sáng 24/7, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2013. Theo đó, CPI tháng 7 năm 2013 tăng 0,27% so với tháng 6 và tăng 7,29% so với tháng 7 năm 2012.

 

Mặc dù đã được dự báo từ trước về mức tăng của CPI tháng 7 sẽ cao hơn so với mức tăng của tháng 6, nhưng mức tăng vượt trội này hoàn toàn là điều bất ngờ với ngay cả các chuyên gia.

Nguy cơ lạm phát quay trở lại

Với mức tăng nêu trên, tính chung 7 tháng đầu năm 2013, CPI tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức vượt trội khá lớn, nếu xét tương quan theo tháng giữa tháng 7 và tháng 6 của 10 năm gần đây, rất ít lần mức tăng trội hơn thuộc về tháng 7 như vậy.

Nhìn vào diễn biến giá cả chung trong khoảng 6 tháng qua, không khỏi lo ngại về khả năng lạm phát cao đang có biểu hiện quay trở lại. So với cùng kỳ năm trước, 3 tháng gần đây nhất, CPI có xu hướng tăng liên tục: tháng 5/2013 tăng 6,36% so với cùng kỳ, tháng 6 tăng 6,69% trước khi tháng 7 tăng 6,81% so với cùng kỳ.

Đóng góp vào chỉ số CPI cả nước 7 tháng, so với cùng kỳ năm 2012, trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là lương thực (giảm, 3,72%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,43%), còn lại các nhóm hàng khác đều tăng giá. Trong đó, nhóm dịch vụ y tế tăng cao nhất, tới 82,99%; dịch vụ giáo dục tăng 17,06%. Còn thực phẩm chỉ tăng 1,82%.

Sự hồi phục tăng trở lại của CPI một số nhóm ngành đặt ra dấu hỏi cho diễn biến thị trường thời gian này. Phải chăng cán cân cung - cầu nay đã xoay chiều? Cái đó chưa hẳn, nhưng tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ thì khá rõ nét, thể hiện rõ nhất qua việc liên tục cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua.

Mà thực tế cũng đã chứng minh, giảm lãi suất khiến tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế buộc phải nới rộng hơn và lạm phát sẽ cao hơn.

“Dấu ấn” của giá xăng, dầu

Theo thông lệ, việc tính toán CPI hàng tháng được cơ quan thống kê căn cứ vào chỉ số giá từ 15 tháng này sang 15 tháng sau. Do vậy, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước gần đây nhất vào 17/7 chưa tác động đến CPI tháng 7. Nhưng 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp trong tháng 6 (14/6 và 28/6) thì chắc chắn có. Minh chứng rõ nét nhất là diễn biến CPI tháng 7 của hai đầu tàu kinh tế đất nước là Hà Nội và TPHCM được công bố cách đây ít ngày.

Cụ thể theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI của thành phố tháng 7/2013 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua (khiến nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 1,15%) và việc Hà Nội đón lượng lớn thí sinh và người thân đổ về để thi đại học, cao đẳng khiến một số loại dịch vụ tăng cao hơn bình thường.

Còn tại TPHCM, theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố, CPI tháng 7/2013 trên địa bàn tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI của thành phố tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp trước đó. Cũng như Hà Nội, trong tháng, chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng mạnh nhất với 1,3% so với tháng trước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đã nhận định lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu này (ngày 17/7) có thể làm tăng CPI tháng tới khoảng 0,1%.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng mức tăng đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát cả năm; bởi lẽ 6 tháng đầu năm 2013, CPI là 2,4%, mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2013 là 6,5%, do đó 6 tháng còn lại địa dư cho tăng mức lạm phát vẫn khá lớn và hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát.


Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ