(GD&TĐ)- Do có nhiều yếu tố tác động giảm nhiệt nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2011 tại TP.Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,69% so với tháng 5 (gần 2,4%). Tại Hà Nội, CPI tháng này tăng 1,21%.
Tháng 6/2011, CPI tại TP.Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,69% |
CPI tháng 6/2011 tại TP.Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,69% so với tháng 5. Đây thực sự là một tín hiệu đầy lạc quan của bức tranh kinh tế nơi đây với mức tăng CPI chỉ tương đương tháng cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, so với tháng 6/2010, CPI của tháng 6/2011 vẫn tăng cao hơn, khiến các mức so sánh với tháng 12/2010 và tháng cùng kỳ năm trước đều bị đôn lên, tương ứng trên 11% và khoảng 17%.
Do có nguồn cung bổ sung nên giá thực phẩm, nhất là các loại thịt cá nên giá cả hạ nhiệt đã khiến mặt bằng chung hạ theo. Diễn biến hạ nhiệt của các mặt hàng rau xanh, hoa quả cũng tiếp thêm hỗ trợ cho CPI tháng này tại TP.Hồ Chí Minh.
Ở các nhóm hàng trọng yếu khác như điện, xăng dầu, gas… cũng cùng xu hướng chung cả nước, giảm tác động cho CPI tháng này.
Ở nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, trong tháng này, nhu cầu du lịch, tham quan, nghỉ ngơi tăng khiến các dịch vụ văn hóa, giải trí, làm đẹp… được dịp tăng giá. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng là một trong hai nhóm duy nhất có chỉ số CPI tháng 6 tăng hơn 1%. Nhóm còn lại là hàng hóa, dịch vụ khác, tăng hơn 2%.
Hà Nội, CPI tháng 6 tăng 1,21%
Trong khi đó, Cục Thống kê Hà Nội vừa cho biết, CPI tại đây tăng 1,21% so với tháng trước, đưa CPI cộng dồn từ đầu năm của TP.Hà Nội lên 12,94%.
Mặc dù mức tăng giá của Thủ đô đã chậm lại so với các tháng trước đó nhưng nếu không tính năm 2008, thì tháng 6/2011 là tháng có mức tăng giá cao nhất xét trong 10 năm trở lại đây.
Trong rổ hàng hóa 10 nhóm trọng yếu, có 3 nhóm hàng tăng trên 1%. Tăng cao nhất vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (2,08%), trong đó thực phẩm là nhóm tăng mạnh nhất với 2,93%, lương thực tăng 0,19% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,01%.
Nguyên nhân đẩy giá cả các mặt hàng trong nhóm tăng là do nguồn cung gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, nhất là các tỉnh miền trung, nguồn cung cấp chính lợn và trâu bò cho thị trường Hà Nội. Hơn nữa, việc gom lợn với số lượng lớn xuất sang Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nguồn cung. Giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển cao cũng góp phần đẩy giá các mặt hàng liên quan tăng thêm.
Nhóm hàng có mức tăng thứ 2 là giáo dục, với 1,12%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm của tháng này do sự tăng đáng kể của SGK chuẩn bị cho năm học mới. Trước đó, Bộ Tài chính đồng ý cho NXB GD nâng giá sách giáo khoa năm học 2011-2012 tăng khoảng 16,9% do các chi phí đầu vào tăng.
Thời tiết vào hè nắng nóng là nguyên nhân chính đẩy giá các mặt hàng nước giải khát tăng cao khiến chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc là trong tháng tăng 1,09% là nhóm có mức tăng cao thứ 3 trong tháng. Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ, dưới 1%. Riêng nhóm viễn thông vẫn giữ giá bằng tháng trước.
An Sương