Covid-19 “nhảy cóc”

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục là đề tài số một trên thế giới. Mỗi ngày, xuất hiện hàng trăm thông tin mới về dịch bệnh và ảnh hưởng của nó đối với cơ thể chúng ta và với môi trường.

Hiện tượng tái dương tính vừa mang lại hy vọng, vừa gây lo lắng cho các nhà nghiên cứu.
Hiện tượng tái dương tính vừa mang lại hy vọng, vừa gây lo lắng cho các nhà nghiên cứu.

Tái dương tính và nỗi lo của các nhà khoa học

Thời gian gần đây, hai trường hợp tái dương tính ở hai khu vực cách xa nhau trên thế giới đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia. Trường hợp đầu tiên là một người đàn ông ở Hồng Kông (Trung Quốc). Người này tái dương tính với virus SARS-CoV-2 sau vài tháng khỏi bệnh.

Tuy nhiên, lần tái nhiễm này không xuất hiện các triệu chứng cụ thể. Trường hợp thứ hai là một nhân viên y tế ở bang Nevada (Mỹ). Tình trạng ở người này lại diễn biến ngược lại: Lần tái dương tính diễn ra trầm trọng hơn lần nhiễm virus đầu tiên.

Hiện tượng tái dương tính vừa mang lại hy vọng, vừa gây lo lắng cho các nhà nghiên cứu. Nếu như trường hợp ở Hong Kong có tính lạc quan (tái nhiễm không có triệu chứng – chứng tỏ hệ miễn dịch của người đó hoạt động hiệu quả) thì trường hợp bệnh nhân ở Nevada có thể dẫn tới suy luận là cơ thể của chúng ta không có khả năng tự vệ tốt trước các đợt tấn công tiếp theo của virus SARS-CoV-2.

Theo tạp chí Nature (Anh), hiện tại còn quá sớm để rút ra kết luận chung từ những trường hợp đơn lẻ như trên. Thậm chí, nếu hệ miễn dịch của con người “nhớ” được sự nhiễm virus và có khả năng bảo vệ cơ thể trước đợt tấn công mới, thì vẫn có thể xảy ra các trường hợp hệ miễn dịch “bó tay” trước virus (chẳng hạn: Tình trạng sức khỏe suy giảm, lượng virus lớn).

Tuy nhiên, điều chắc chắn cần làm là theo dõi chặt chẽ tình trạng những người hồi phục. Nếu thường xuyên xảy ra hiện tượng tái dương tính trong số họ, thì diễn biến bệnh sẽ là chỉ dẫn rất quan trọng về hoạt động của hệ miễn dịch.

Virus lan truyền trên 2 bán cầu như thế nào?

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích cách thức virus SARS-CoV-2 “nhảy cóc” từ lục địa này sang lục địa khác trong đầu năm nay. Nhằm mục đích này, các nhà  nghiên cứu đã so sánh RNA của các virus (sự thay đổi trong chất liệu gen cho thấy khi nào biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện và nó tiến hóa như thế nào), đồng thời họ sử dụng các mô hình máy tính và các dữ liệu về lây nhiễm. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu tái tạo được, với xác suất lớn, hành trình của virus SARS-CoV-2 tại 2 bán cầu.

Hóa ra, công dân Trung Quốc, bay từ Vũ Hán đến Seattle ngày 15/1/2020 và trở thành bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Mỹ (ký hiệu WA1) hoàn toàn không phải là nguyên nhân làm cho đại dịch bùng phát ở bang Washington sáu tuần sau đó. Những người gieo rắc mầm bệnh bay đến Mỹ trực tiếp từ Trung Quốc và châu Âu vào tháng Hai.

Còn tại châu Âu, những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đàu tiên được ghi nhận vào tháng Một tại Đức - khi đó “nổi tiếng nhất” là trường hợp một thương gia trở về Munich từ Thượng Hải vào ngày 19/1, và ngay ngày hôm sau làm cho 16 nhân viên của mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cuộc họp tại văn phòng. Do vậy người ta nghi ngờ rằng vì ông ta mà virus SARS-CoV-2 đã lan truyền từ miền Nam nước Đức sang Italy.

Tuy nhiên, trong thực tế, sự bùng nổ đại dịch ở bắc Italy, sau đó lan truyền sang châu Âu, không có nguồn gốc ở Đức. Virus  SARS-CoV-2 đến Italy trực tiếp từ Trung Quốc vào khoảng giữa tháng Một và tháng Hai. Từ châu Âu, virus lan sang Mỹ vào tháng Hai.

Các tác giả công trình nghiên cứu nhấn mạnh, rằng các hoạt động tích cực của các cơ quan vệ sinh dịch tễ ở Seattle (nơi có bệnh nhân W1) và Munich – trong đó có xét nghiệm, truy vết, cách ly – đã khiến cho dịch bệnh không bùng phát tại hai nơi này.

Những đường đứt đoạn là các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đi từ Trung Quốc, nhưng không gây dịch địa phương. Những đường liền nét là những trường hợp nhiễm virus và lan truyền virus.
Những đường đứt đoạn là các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đi từ Trung Quốc, nhưng không gây dịch địa phương. Những đường liền nét là những trường hợp nhiễm virus và lan truyền virus.

Những khuyến cáo không rõ ràng

Tạp chí New Scientist đặt vấn đề: Ở trường, học sinh có cần đeo khẩu trang hay không? Hóa ra, việc này lại gây tranh cãi rất nhiều. Tại Anh, cách đây chưa lâu, chính phủ không khuyến cáo học trò đeo khẩu trang; tuy nhiên hiện giờ, người ta cho rằng học sinh trung học buộc phải đeo khẩu trang khi ra hành lang hoặc đến những nơi tương đối đông người.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đeo khẩu trang đối với trẻ trên 12 tuổi ở những nơi không duy trì được khoảng cách giãn cách xã hội ít nhất là 1 mét. Khuyến cáo đối với trẻ trong độ tuổi 6 - 11 là không rõ ràng, trong khi trẻ dưới 5 tuổi, theo WHO, không cần phải đeo khẩu trang.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ lại khuyến cáo cho tất cả trẻ từ 2 tuổi trở lên đeo khẩu trang. Các chuyên gia nhấn mạnh, khẩu trang không hề cản trở trẻ hô hấp. Vấn đề ở đây là trẻ sử dụng khẩu trang không đúng cách (tháo khẩu trang thường xuyên, chạm vào khẩu trang rồi lại đeo lại…) khiến trẻ có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hơn nữa, đối với trẻ nhỏ, khẩu trang có thể gây nhiễu trong nhận biết cảm xúc, học ngôn ngữ hay tương tác xã hội, bởi trẻ thường quan sát rất kỹ cử động môi và biểu cảm khuôn mặt ở người khác. Chính vì lẽ đó, WHO khuyến cáo các giáo viên dạy trẻ mầm non đeo tấm che mặt trong suốt.

Chức năng bí ẩn Virus SARS-CoV-2 hé lộ những bí mật tiếp theo. Lần này, trên tạp chí Nature số ra gần đây, xuất hiện công trình nghiên cứu liên quan đến protein của virus. Cho đến nay, các nhà khoa học cho rằng chất liệu gen của virus SARS-CoV-2 chứa mật mã tạo thành 29 protein, trong đó có các “gai” đặc trưng. Nhờ các “gai” đó mầm bệnh bám vào tế bào con người, sau đó xâm nhập vào tế bào để tạo ra các bản sao tiếp theo.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Israel chứng minh rằng RNA của virus SARS-CoV-2 còn chứa mật mã cấu thành 23 protein khác, trong đó một số protein là hoàn toàn mới, hoặc là phiên bản thu nhỏ hoặc phóng to của một số protein đã biết. Vai trò của nhiều protein trong số này đang là bí mật. Nghiên cứu các protein của virus là rất quan trọng, chẳng hạn, trong lĩnh vực bào chế các loại thuốc và vaccine chống virus.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.