Nghỉ học kéo dài vì Covid-19 khiến kế hoạch cho con em đi du học của nhiều gia đình dang dở. Đi hay ở là cả một câu chuyện dài cùng nhiều toan tính.
Nguy cơ đổ vỡ giấc mơ
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Kỳ tốt nghiệp THPT 2020 lùi đến tháng 8 thay vì vào tháng 6 như mọi năm. Điều này có tác động đến những học sinh có kế hoạch du học. Chị Phương Hà, chuẩn bị cho con đi du học tại Mỹ cho biết: “Lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng đến việc nhập học ở Mỹ của con mình. Thêm nữa Mỹ và một số quốc gia châu Âu đang phong tỏa biên giới, chưa biết đến bao giờ mới mở cửa và ổn định trở lại. Nếu chưa thật sự an toàn thì chắc chắn mình sẽ không để con sang Mỹ vào tháng 8, thà xin lùi một năm còn hơn đánh đổi sức khỏe của con mình”.
Cũng trong hoàn cảnh như chị Hà, chị Hoàng Hương bày tỏ: “Giả sử dịch bệnh còn kéo dài đến tháng 7, tháng 8 thì liệu con có đi du học được không? Trong trường hợp con không thể đi du học thì không lẽ lại chuyển hướng cho con thi đại học trong nước? Điều này thật sự là thách thức lớn bởi trước giờ con chỉ tập trung chủ yếu vào luyện ngoại ngữ và các kỹ năng, chứ không dành nhiều thời gian ôn thi những môn bình thường như các học sinh khác”.
Chị Hương cũng rất lo lắng bởi dịch bệnh nên con mình không thể tham gia đầy đủ các khóa tiền du học, chuẩn bị cho cuộc sống mới ở Mỹ nên nếu sang đây đúng kế hoạch vào tháng 8 này, chị sợ con sẽ bị bỡ ngỡ và không kịp thích ứng.
Quỳnh Anh (TPHCM) trúng tuyển Đại học Bucknell, bang Pennsylvania, Mỹ từ đợt tuyển sinh sớm vào tháng 12/2019 và nếu theo dự kiến thì ngày 12/8 Quỳnh Anh sẽ bay sang Mỹ nhập học. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết thúc vào ngày 11/8, trong khi Đại học Bucknell yêu cầu các sinh viên quốc tế phải có mặt vào 12/8 khiến em rất khó xoay sở. Không chỉ thế, ĐSQ Mỹ đã tạm đóng phỏng vấn visa nên các bạn học sinh chuẩn bị đi du học sẽ phải chờ phỏng vấn lâu hơn. Trường Đại học Bucknell cũng yêu cầu sinh viên phải nộp bảng điểm cuối năm và bằng tốt nghiệp, vì thế Quỳnh Anh đã chuẩn bị trước cho việc gửi email giải thích và xin trường được hoàn thiện các giấy tờ thủ tục nhập học muộn hơn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Quỳnh Anh cho biết: “Em khá lo lắng vì thời gian tốt nghiệp THPT muộn sẽ ảnh hưởng đến việc nhập học ở Mỹ, thêm nữa là phải chờ tình dịch dịch ở Mỹ ổn định, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp thì chắc chắn bố mẹ sẽ không để em sang Mỹ du học lúc này. Ngoài ra em cũng lo bởi đang dịch nên không thể tham gia đủ các khóa học chuẩn bị cho cuộc sống mới ở Mỹ”.
Bạn Hoàng Ngọc cũng chuẩn bị đi du học tại Đại học Colgate University, Mỹ cho biết, theo dự kiến, tháng 8/2020, Hoàng Ngọc phải có mặt tại trường nhưng đến thời điểm này, em vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Thanh Mai (TPHCM) từng sung sướng không ngủ được khi trúng tuyển trường đại học mơ ước ở Canada. Thế nhưng dịch bệnh đã khiến giấc mơ này gần như tan vỡ, bạn “khóc ròng” không biết làm thế nào để nộp bảng điểm và bằng tốt nghiệp cho trường trước 4/8. Mai có thể phải apply hồ sơ lại từ đầu, “gap year” - một năm nghỉ phép hoặc lựa chọn học trong nước.
Trường của Tiến Minh không yêu cầu bổ sung ngay bằng tốt nghiệp nhưng phải có mặt tại Anh trong ngày 12/8 để nhập học. Em rất lo vì không thể vừa thi xong buổi chiều đã vội vã xách vali ra sân bay. Du học sinh cần phải sang trước cả tháng để tìm nhà, làm quen nếu không muốn “shock” văn hóa. Chưa kể, nếu dịch không sớm được dập tắt, Minh có thể gặp khó khi xin visa và vấp phải phản đối từ bố mẹ.
Sẵn sàng “gap year”
Tâm lý chung của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị du học năm nay là sẵn sàng “gap year”, cho con ở nhà thêm 1 năm để yên tâm. Chị Vũ Thùy (TPHCM) chia sẻ: “Con tôi đã được một trường ĐH bên Úc chấp nhận, nhưng tình hình dịch phức tạp như thế này, gia đình đang dự tính để con ở nhà thêm 1 năm nữa, vì dù thế nào, sức khỏe vẫn là quan trọng nhất”.
Quỳnh Anh chia sẻ, bố mẹ muốn em “gap year” ở Việt Nam vì lo lắng dịch bệnh. Mặc dù vẫn đang cố gắng thu xếp để có thể du học trong năm nay, nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, Quỳnh Anh cũng đã chuẩn bị tâm lý ở nhà thêm 1 năm để củng cố kiến thức. Trường ĐH của Quỳnh Anh cũng luôn cập nhật thông tin, em cho biết: “Chỉ khi trường điều chỉnh lịch nhập học của sinh viên năm nhất và tình hình dịch bệnh ổn định, em mới có thể qua Mỹ nhập học bình thường”.
Vì nhiều lý do khách quan nên “gap year” ở Mỹ khá phổ biến, một số trường đại học Mỹ vẫn khuyến khích sinh viên “gap year” sau khi apply xong để có thời gian suy nghĩ và định hướng bản thân đồng thời tích lũy kinh nghiệm sống. Bởi vậy, những học sinh như Quỳnh Anh, Hoàng Ngọc cho rằng, vấn đề này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến học bổng hay điều kiện học tập của du học sinh đến Mỹ.
Gap year – được hiểu là một năm khoảng cách, còn được gọi là một năm nghỉ phép, thường là một năm nghỉ trước hoặc sau đại học, trong đó sinh viên tham gia vào các hoạt động giáo dục và phát triển khác nhau, chẳng hạn như du lịch hoặc một số loại công việc thường xuyên.