Tuy nhiên, trong số đó, có một giả thuyết đủ xa vời nhưng lại cũng có vẻ hợp lý khi nhìn theo một số góc độ, đó là ý tưởng cho rằng, virus Corona tới từ vũ trụ.
Đến từ không gian
Có người từng tuyên truyền rằng, virus này lan truyền qua đường 5G. Điều này rõ ràng là ngớ ngẩn và chỉ lừa được những người không có chút hiểu biết nào về khoa học.
Virus sinh học thì không thể truyền tải được qua sóng điện từ. Thế nhưng, hãy bỏ qua những ý tưởng ngớ ngẩn dạng đó và xem xét một ý tưởng khác mà ít ra là có vẻ thú vị và đáng suy ngẫm hơn.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi virus Corona lây lan và gây ra đại dịch Covid-19, đã có một số người đưa ra giả thuyết rằng, loại virus này đến từ không gian ngoài Trái đất. Hai tác giả chính của ý tưởng này là Edward J. Steele - một nhà miễn dịch học phân tử và Chandra Wickramasinghe - một nhà nghiên cứu về sinh học thiên văn.
Họ đã đề xuất ý kiến này trong nhiều phát ngôn và bài báo. Trong một bài báo đăng vào tháng 7/2020, họ tuyên bố nghi ngờ rằng virus Corona gây ra đại dịch này tới từ một thiên thạch lớn đã bốc cháy ngay trên bầu trời thành phố Tùng Nguyên của Trung Quốc ngày 11/10/2019.
Theo giải thích của các tác giả, vị trí rơi của thiên thạch này cách thành phố Vũ Hán 2.000km về phía Đông Bắc. Tuy nhiên, một mảnh của nó có thể đã vỡ và rơi xuống khu vực Vũ Hán. Thiên thạch đó có chứa hàng tỷ vi khuẩn và virus đã đóng băng do nhiệt độ của không gian ngoài Trái đất, nhưng khi được làm nóng và giải phóng khỏi lớp băng, chúng hồi phục trở lại.
Sự “gieo hạt” của vũ trụ
Điều thú vị là ý tưởng về việc virus Corona đến từ ngoài không gian không phải là hoàn toàn mới mẻ. Nó chỉ là hệ quả của một giả quyết khá kỳ quái được đề cập trong một cuốn sách viết từ năm 1979 có tên là “Các bệnh dịch đến từ không gian” mà một trong hai tác giả chính là Chandra Wickramasinghe.
Tác giả còn lại của sách là Fred Hoyle - một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng không chỉ vì những nghiên cứu được ghi nhận của ông mà còn vì là một người kiên định chống lại thuyết Big Bang tới cùng (cho tới khi ông qua đời vào năm 2001) mặc dù đã có rất nhiều bằng chứng thuyết phục và cộng đồng khoa học đều đã thừa nhận từ lâu.
Trong cuốn sách này, họ đưa ra giả thuyết tên là panspermia - tạm dịch là thuyết “gieo hạt”. Giả thuyết này cho rằng, sự sống là phổ biến trong vũ trụ. Tuy nhiên, hầu hết chúng là dạng vi sinh vật, bị giam giữ trong những thiên thạch hay bụi vũ trụ bị đóng băng. Khi tới một hành tinh nào đó có điều kiện phù hợp để phát triển, những vi sinh vật đó có thể hoạt động trở lại và phát triển thành các giống loài phức tạp hơn.
Cũng theo giả thuyết gieo hạt này, những quá trình hóa học dẫn tới sự ra đời của những dạng sống đầu tiên có thể đã diễn ra từ rất sớm, chỉ vài triệu năm sau khi vũ trụ hình thành.
Bản thân con người cùng các loài sinh vật trên Trái đất cũng ra đời từ cách gieo hạt đó, khi những “hạt giống” của sự sống được gieo vào tinh vật Mặt trời khi Hệ Mặt trời sắp hình thành (hoặc cũng có thể muộn hơn, khi Trái đất ra đời).
Cũng với cách như vậy, một số bệnh dịch được cho là cũng có thể đã tới Trái đất từ các thiên thạch khi chúng mang theo các virus trong các lớp vật chất đóng băng của mình.
Khá hay, nhưng chỉ là... viễn tưởng
Ý tưởng về sự gieo hạt nêu trên quả thực không phải tệ. Hiển nhiên rằng cho tới nay không hề có bất cứ bằng chứng nào về việc có sự tồn tại của vi sinh vật trong không gian liên hành tinh. Vì trong khoa học, bất cứ giả thuyết hay mô hình nào không có chứng cứ thì không thể được thừa nhận.
Mặc dù vậy, ý tưởng này không hoàn toàn phản khoa học. Những tác giả của nó không phải là những nhà văn viễn tưởng hay những kẻ mơ mộng tìm niềm vui bằng những thực tại giả định của mình.
Giả thuyết của họ dựa trên một thực tế rằng về lý thuyết, sự phát triển và khả năng, chịu đựng quá trình đóng băng của vi sinh vật như vậy là hoàn toàn có thể.
Điều đó có nghĩa là dù đó không phải cách mà sự sống đã hình thành trên Trái đất, thì không có nghĩa là không có những trường hợp như thế xảy ra ở những nơi xa xôi trong vũ trụ mà chúng ta chưa thể quan sát thấy chứ chưa nói tới việc kiểm chứng được giả thuyết này.
Dù sao, việc một virus nào đó đã tới Trái đất qua các thiên thạch không hề có bằng chứng nào cả.
Mặt khác, các nghiên cứu về sinh học cho thấy virus gây ra Covid-19 không phải là một loài sinh vật lạ. Nó tương tự với virus Corona đã gây ra đại dịch SARS năm 2003 và cả một số loài khác đã được phát hiện trước đó. Điều đó nghĩa là chúng không phải những virus có nguồn gốc hoàn toàn khác nhau.
Ý tưởng này cũng khá nguy hiểm khi mà các tác giả của nó từng tuyên bố rằng, loại virus này khó có thể lây từ người sang người, nên việc tìm kiếm vắc-xin cho nó là vô nghĩa và lãng phí.
May mắn rằng, không chính phủ nước nào tin vào điều đó cả, vì mọi kết luận đều cần có bằng chứng khoa học thay vì những ý tưởng giả định, cho dù nghe có vẻ hợp lý tới đâu chăng nữa.
Cuối cùng thì thuyết gieo hạt cũng chỉ là một ý tưởng không chứng cứ. Nhưng với sự “khá hợp lý” trong lập luận của nó, nó cũng từng được áp dụng vào một số bộ phim viễn tưởng về đề tài người ngoài hành tinh và biết đâu trong tương lai ai đó cũng sẽ làm phim về việc một thế lực ngoài hành tinh nào đó đã gieo rắc virus Corona tới Trái đất.
Tất nhiên, cũng sẽ thú vị nếu một ngày xa xôi nào đó, chúng ta tìm ra một nơi trong vũ trụ đã có sự sống nhờ sự gieo hạt từ các thiên thạch này.