Đó là chia sẻ của GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục khi phát biểu chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam – sáng 18/11.
Theo Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Phạm Quang Trung, không có đầu tư nào bằng đầu tư cho giáo dục. Từ trong gia đình, đến toàn xã hội, việc đầu tư cho giáo dục không chỉ cho hôm nay mà còn là “sự nghiệp trăm năm trồng người”.
Nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, GS.TS Phạm Quang Trung bày tỏ, các thầy, cô giáo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà, để rồi tự hào và hạnh phúc khi các thế hệ học trò của mình trưởng thành.
Gửi lời tri ân đặc biệt và lời cảm ơn, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các các cựu giáo chức, giảng viên của Học viện Quản lý giáo dục, GS.TS Phạm Quang Trung khẳng định, truyền thống tôn sư trọng đạo đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. “Không thầy, đố mày làm nên”. Đạo học đã thầy – trò đã ngấm vào xương tủy, trở thành cốt cách của người Việt Nam.
“Ai thành công mà không có những người thầy đã dìu dắt, vun trồng, nuôi nấng để ta nên người. Bởi thế, những ngày này, lớp lớp thế hệ học trò đều bày tỏ lòng tri ân với các thầy, cô giáo của mình” – GS.TS Phạm Quang Trung bày tỏ.
GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại buổi lễ. |
Theo Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, dù còn nhiều thách thức nhưng tuyệt đại đa số thầy, cô giáo đều tâm huyết, yêu nghề. Có những tấm gương nhà giáo vô cùng cảm động.
Trong một số lần đi công tác ở vùng cao, GS.TS Phạm Quang Trung nhận thấy, giáo viên còn nhiều khó khăn. Nhiều thầy cô phải đu dây, trèo đèo, lội suối đến trường. Dù khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề nhưng thầy, cô luôn làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho học trò. Thậm chí, làm thay cả những việc của cha, mẹ. Thầy, cô sẵn sàng nhường, cơm sẻ áo cho học trò. “Khi đến thăm một giáo viên vùng khó, trong nhà không có đồ vật gì trị giá 200 nghìn đồng” – GS.TS Phạm Quang Trung nhớ lại.
Lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục tri ân, chúc mừng nguyên cán bộ của Học viện. |
GS.TS Phạm Quang Trung nhìn nhận, công việc của nhà giáo có nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm của giáo dục phải được đánh giá và cụ thể hóa qua nhiều năm, thậm chí là qua nhiều thế hệ.
Thực tế cho thấy, đất nước nào chú trọng, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và có nhiều hiền tài thì đất nước đó “cất cánh”. Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Điều đó trở thành chân lý và rất đỗi tự hào.
Đến từ nước bạn Lào, học viên Ownoy Thorlany – lớp thạc sĩ K25 QLGD, Học viện Quản lý giáo dục – bộc bạch: "Tôi thấy thú vị với ngày Nhà giáo Việt Nam. Với tôi, đây là ngày đặc biệt với nhiều kỷ niệm và trải nghiệm mới mẻ. Chúng tôi được tham dự các hoạt động như: Văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao…".
Ownoy Thorlany (thứ hai từ phải qua trái) và các bạn tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022. |
Hòa mình vào nét đẹp truyền thống văn hoá “tôn sư trọng đạo” của Việt Nam, Ownoy Thorlany và các bạn đã đến tặng quà, tri ân thầy, cô giáo của mình. Ownoy Thorlany vui và hạnh phúc khi được các thầy cô ân cần chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình trong học tập cũng như cuộc sống.
“Nhân dịp này, tôi xin gửi tới các thầy, cô giáo lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi sẽ luôn khắc ghi trong tâm khảm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo” người Việt Nam. Chắc chắn tôi sẽ về lan tỏa đến với bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng dân cư – nơi tôi đang sinh sống trên đất nước Lào của mình” - Ownoy Thorlany trải lòng