Do vậy, người lao động muốn đi xuất khẩu lao động bị lừa diễn ra khá nhiều. Có người bị lừa cả chiều đi lẫn chiều đến.
“Công ty ma” chủ động tìm đến người dân
Theo Bộ LĐ-TB&XH thì có 2 dạng lừa đảo: Thứ nhất là, lừa đi để thu tiền môi giới cao hơn. Thứ hai, lừa người lao động sang nước ngoài làm việc đúng ngành nghề đào tạo, nhưng thực chất là không đúng. Khi họ sang nước ngoài làm việc thì bị trả về hoặc có việc làm nhưng không tốt, dẫn đến nhiều người lao động phải trốn ở lại.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết, những năm qua số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh. Tuy nhiên, số người bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới các hình thức cũng khá nhiều, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.
Lý do là người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động xuất khẩu và các công ty được cấp phép thực hiện dịch vụ này. Nhiều người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… còn gặp khó khăn về thông tin thị trường lao động.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước phải có giải pháp, công khai, minh bạch để người lao động nhận biết được đâu là công ty do Nhà nước thành lập. Công ty có tư cách pháp nhân và uy tín đưa người đi xuất khẩu lao động, thị trường có hợp tác lao động việc làm? Người lao động tìm đến những công ty uy tín này qua kênh nào?
Ở một mặt khác, người dân có quan niệm rằng doanh nghiệp Nhà nước thường có các quy trình khắt khe, chặt chẽ hơn. Còn những công ty bên ngoài có thể linh hoạt, thủ tục ngắn gọn.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều “công ty ma” đã tiếp cận người dân với những lời “đường mật”, hứa hẹn thiên đường làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều người lao động bị lừa, nhất là với lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đáng nói, trong số này, nhiều người phải vay mượn số tiền lớn để được đi xuất khẩu lao động. Họ phải trả bằng mồ hôi, nước mắt khi đi xuất khẩu. Tuy nhiên có những trường hợp biết bị lừa, nhưng để đòi lại được khoản tiền đã nộp cho công ty là điều vô vọng.
Không để người dân “mất cả chì lẫn chài”
Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại. Ảnh: Hiếu Trung |
Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, khẳng định: Đưa lao động trẻ đi xuất khẩu lao động, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương, chính sách tốt, giúp người dân có điều kiện tăng thu nhập và thoát nghèo.
Soi kỹ thì nhận thấy những năm qua, chính sách này chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là một bộ phận người dân chưa tiếp cận thông tin đầy đủ về thị trường xuất khẩu lao động. Ngoài ra, một phần là do khâu tuyên truyền chưa tốt.
Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Nhiều địa phương làm không tốt khâu kiểm soát khi các công ty đến tiếp thị người dân để tuyển lao động đi xuất khẩu.
Để tránh người dân “sập bẫy” các “công ty ma” lừa đảo xuất khẩu lao động, chính quyền cơ sở cần phải kiểm soát chặt, xác minh pháp nhân doanh nghiệp đến địa phương tuyển dụng lao động. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân cảnh giác, tránh bị lừa bởi các “công ty ma”.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cho rằng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát tổng thể, công khai rộng rãi đến các địa phương, thôn, bản, xã, phường, thị trấn những công ty được cấp phép đưa người dân đi xuất khẩu lao động… Qua đó, giúp người dân (bao gồm cả người có ý định đi xuất khẩu lao động và những người đã sang nước ngoài làm việc) nắm được thông tin chính thống; từ đó có ý thức bảo vệ mình, tránh rơi vào “cạm bẫy”.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Năm 2022, số lao động Việt Nam đi nước ngoài là 142.000, xấp xỉ 10% số lao động mà chúng ta giải quyết trong một năm. Thông thường con số này khoảng 10%, có năm cao nhất là 153.000 người. Số này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài do các công ty, doanh nghiệp được cấp phép đưa đi.
Theo ông Đào Ngọc Dung, hiện có 482 doanh nghiệp được cấp phép, nhưng số người đi lao động xuất khẩu qua doanh nghiệp thì ít khi bị lừa. Phần đông số người bị lừa đều là “công ty ma”, công ty không được cấp phép hoặc lừa đảo; thậm chí là trá hình.
“Những trường hợp này, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, cùng với các địa phương xử lý rất nhiều. Có một số trường hợp công ty được cấp phép, nhưng cũng lừa đảo, lừa đảo cả 2 đầu, bên kia cũng lừa, bên này cũng lừa” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã xử phạt nhiều. Năm 2022 đã thanh tra xử lý, xử phạt 62 doanh nghiệp, chủ yếu xử phạt bằng tiền, còn 4 doanh nghiệp phải thu hồi giấy phép.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Phần đông số lao động bị lừa đi nước ngoài là “công ty ma”, không đúng địa chỉ, không phải là doanh nghiệp do Nhà nước cấp phép. Việc này cần tiến hành đồng bộ các giải pháp; trong đó phải tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra. “Chúng tôi sẽ kết hợp các giải pháp đó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.