Xử lý nhiều 'công ty ma' lừa lao động Việt Nam sang nước ngoài

GD&TĐ - Cả nước hiện có 482 doanh nghiệp được cấp phép và lao động đi qua hình thức này ít bị lừa. Phần đông số bị lừa đều là do 'công ty ma'.

Xử lý nhiều 'công ty ma' lừa lao động Việt Nam sang nước ngoài

Công ty được cấp phép cũng lừa đảo

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS.

Tuy nhiên, có thực trạng nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập, nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu đề nghị Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ đã khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cũng theo đại biểu, trong những năm qua, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

"Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu theo Bộ trưởng là gì và những giải pháp khắc phục của Bộ trưởng trong thời gian tới?", đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải dễ. Gần đây, số học sinh học trung cấp nghề tăng lên bởi chúng ta áp dụng một nguyên tắc, phương pháp mới là 9+ và mô hình Kosen của Nhật Bản. Tức học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thì vào thẳng trường nghề.

Học sinh vừa học nghề, vừa học văn hoá, khi ra trường thì vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Điều này có lãng phí không?

“Chúng tôi cho rằng, không lãng phí. Việc chúng ta vừa học nghề, vừa học văn hoá sẽ rút ngắn thời gian và có lẽ thích ứng hơn, tạo điều kiện cho các em khi ra trường có thể đi làm luôn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trao đổi về việc số lao động của Việt Nam đi nước ngoài tăng nhưng có nhiều trường hợp bị lừa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, số lao động Việt Nam đi nước ngoài trong năm 2022 là 142.000 người.

Số này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, được các công ty, doanh nghiệp được cấp phép của Việt Nam đưa đi. Hiện nay, có 482 doanh nghiệp được cấp phép và số lao động đi qua hình thức này thì ít bị lừa.

Phần đông số bị lừa đều là do “công ty ma”, công ty không được cấp phép, hoặc lừa đảo, trá hình. Với những trường hợp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương xử lý rất nhiều. Một số trường hợp, công ty được cấp phép cũng lừa đảo, lừa đảo cả hai đầu (lừa đi và lừa đến).

“Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý, xử phạt nhiều. Trong năm 2022, thanh tra xử lý, xử phạt 62 doanh nghiệp, phạt tiền; 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin; đồng thời cho biết, để xử lý phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như: tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh kiểm tra…

Thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai

Liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tranh luận, các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm.

Đại biểu cho rằng, như bộ trưởng đã xác định qua kết quả giám sát, nhiều địa phương đã có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc.

Điều này cho thấy, cơ quan bảo hiểm xã hội đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hướng xử lý trong thời gian tới?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã những cuộc làm việc với bảo hiểm xã hội và có văn bản để chấn chỉnh việc này.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những trường hợp hiện còn thu bảo hiểm xã hội, chưa giải quyết được là do có vướng mắc. Đa phần là các địa phương đã xử lý linh hoạt với chủ hộ kinh doanh.

Nhiều trường hợp đồng ý tiếp tục chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện; cũng có trường hợp đề nghị thoái thu; có trường hợp xin tiếp tục thực hiện bảo hiểm bắt buộc. Đến thời điểm này, không còn số liệu như vậy.

Đây là con số báo cáo đến năm 2016 và con số kiểm toán rơi rớt. Vừa qua, 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương kết hợp với bộ đi kiểm tra, có địa phương báo cáo là 62 trường hợp nhưng kiểm tra thực tế chỉ có 8 trường hợp.

Trả lời về việc có tiêu cực hay không tiêu cực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, việc phát hiện tiêu cực, trục lợi thì chưa phát hiện được, nhưng sai là có. Còn việc xử lý thế nào, Bộ đã trao đổi với Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chắc chắn phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong chương trình xây dựng, bộ sẽ đưa đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc. Nếu được Quốc hội cho phép, bộ kiến nghị trong kết luận chất vấn của kỳ họp cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động như: cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, nếu người lao động có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm tự nguyện. Nếu làm được như vậy sẽ giải quyết được căn cơ và không có khiếu kiện xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...