Công ty của bà Út Em bị kiện ra tòa vì chiếm giữ tài sản trái phép

GD&TĐ - Sau phản ánh Chủ tịch HĐQT AISVN bị phụ huynh đòi nợ, Báo GD&TĐ tiếp tục nhận được phản ánh khởi kiện công ty của bà Út Em từ một đơn vị khác

Khu đất mà Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trúng đấu giá với giá gần 200 tỉ đồng nhưng chưa thể nhận tài sản của mình.
Khu đất mà Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trúng đấu giá với giá gần 200 tỉ đồng nhưng chưa thể nhận tài sản của mình.

Người khởi kiện Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức ra Tòa án Nhân dân Quận 12, TPHCM (vì hành vi chiếm giữ tài sản trái pháp luật) là Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.

Theo Tiến sĩ Lê Lâm, Công ty Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức có ba cổ đông chính, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) là một trong ba cổ đông lớn (nắm 80% vốn) của công ty.

Thua kiện ở cả 2 phiên tòa nhưng vẫn chiếm giữ tài sản của người khác

Tiến sĩ Lê Lâm bức xúc cho biết: "Tôi đã bỏ ra gần 200 tỷ đồng để đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất tại lô số 14 (Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TPHCM) của Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức. Dù được tuyên trúng đấu giá tài sản phát mãi nhưng gần 3 năm qua, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn và cá nhân tôi vẫn không nhận được tài sản".

Theo hồ sơ mà Tiến sĩ Lê Lâm cung cấp, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tham gia đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất, tại lô số 14 (Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12) của Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức vào ngày 11/9/2020 khi Công ty đấu giá hợp danh Mộc An Thịnh tổ chức đấu giá tài sản.

Có 2 đơn vị tham giá đấu giá là Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis và Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Mức giá khởi điểm là 190,63 tỷ đồng, bước giá mỗi lần là 200 triệu đồng. Sau 2 lượt trả giá, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trúng đấu giá tài sản này ở mức giá 191,03 tỷ đồng.

Tuy vậy, sau phiên đấu giá, phía Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức không bàn giao tài sản mà vẫn chiếm giữ, đồng thời cũng kiện Công ty đấu giá hợp danh Mộc An Thịnh ra Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp, để yêu cầu hủy kết quả đấu giá ngày 11/9/2020 với tài sản trên.

Biên nhận đóng một phần tiền trúng đấu giá khu đất tại Quận 12, TPHCM của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn

Biên nhận đóng một phần tiền trúng đấu giá khu đất tại Quận 12, TPHCM của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn

Ngày 16/2/2022, Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp, TPHCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau đó vụ xét xử bị hoãn lại. Đến ngày 23/3/2022, vụ án tiếp tục có quyết định đưa ra xét xử.

Đến ngày 13/4/2022, Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp đã có bản án số 81/2022/DS-ST tuyên xử: "Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức với yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản của Công ty đấu giá hợp danh Mộc An Thịnh vào ngày 11/9/2020".

Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án nhưng Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức một lần nữa không chấp nhận và tiếp tục kiện phúc thẩm lên Tòa án Nhân dân TP.HCM. Ngày 30/9/2022, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã có bản án số 633/2022/DS-PT với kết quả: Không chấp nhận nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức với yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản của Công ty đấu giá hợp danh Mộc An Thịnh vào ngày 11/9/2020.

Dù Tòa phúc thẩm đã tuyên và yêu cầu Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức bàn giao tài sản nhưng phía doanh nghiệp này vẫn chây ì không thực hiện.

"Trường chúng tôi đã 3 lần gửi công văn về việc chấm dứt hành vi sử dụng, chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật đến Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức và yêu cầu doanh nghiệp phải bàn giao tài sản nhưng đến nay họ vẫn chiếm giữ trái pháp luật. Do không được bàn giao tài sản trúng đấu giá khiến trường chúng tôi rơi vào thế bị động trong việc bố trí chỗ học tập cho sinh viên, khiến trường phải đi thuê mướn mặt bằng suốt thời gian qua, thiệt hại ước tính hơn 15 tỉ đồng"- Tiến sĩ Lê Lâm bức xúc.

Công văn thu giữ tài sản do nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn(SCB) gửi Công ty CP Quản trị Tài nguyên Tri Thức và bà Nguyễn Thị Út Em.

Công văn thu giữ tài sản do nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn(SCB) gửi Công ty CP Quản trị Tài nguyên Tri Thức và bà Nguyễn Thị Út Em.

Lý do chiếm giữ tài sản không được chấp nhận

Lý do chính mà phía Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức không chịu bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá là vì phía doanh nghiệp ty này cho rằng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã dìm giá tài sản, là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất tại lô số 14 (Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12) khi định giá chỉ hơn 190,63 tỷ đồng.

Trong kiến nghị gửi Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp (phiên xét xử sơ thẩm) và Tòa án Nhân dân TPHCM (phiên xét xử phúc thẩm), Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức khẳng định nguyên nhân không chịu bàn giao tài sản cho bên thắng đấu giá.

Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức cho rằng thời điểm 10 năm trước, tài sản này đã có giá hơn 300 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho rằng, sau 10 năm thì tài sản này đã tăng gấp 3 lần, hiện có giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, cả hai phiên tòa đều bác bỏ lập luận này của Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức, bởi SCB đã thuê đơn vị thứ 3 để tiến hành định giá tài sản này, và không có cơ sở để bất động sản sau 10 năm qua đã tăng gấp 3 lần như lập luận của phía doanh nghiệp.

Việc một đơn vị trường học tư nhân phải bỏ khoản tiền gần 200 tỷ đồng (nguồn vốn được huy động từ nhiều kênh) nhưng suốt 3 năm qua không thể lấy tài sản của mình để khai thác, vận hành và sử dụng đã khiến cho đơn vị thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Được biết, hồi tháng 5/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo với Công ty CP Tài nguyên Tri thức và bà Nguyễn Thị Út Em về việc thu giữ 5.646 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM để xử lý thu hồi nợ.

Lô đất kể trên sau đó được SCB đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 191 tỷ đồng. Và đơn vị trúng đấu giá đã phải trầy trật đi đòi tài sản cho đến nay.

Đơn khởi kiện Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức ra Tòa án Nhân dân Quận 12 của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.

Đơn khởi kiện Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức ra Tòa án Nhân dân Quận 12 của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.

"Chúng tôi đã kiện Công ty CP Quản trị Tài Nguyên Tri Thức ra Tòa án Nhân dân Quận 12 về hành vi sử dụng, chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp này phải ngay lập tức bàn giao tài sản, đền bù tổn thất kinh tế cho trường trong suốt 3 năm qua" - Tiến sĩ Lê Lâm nói.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) được khởi công xây dựng vào năm 2009, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư thời điểm đó được đề cập là Công ty TNHH Quản trị Tài nguyên Tri thức (thành lập năm 2010) – doanh nghiệp mà bà Út Em cùng các cổ đông Hồ Quang Tri, Hồ Quang Trung sở hữu với tỉ lệ lần lượt là 80%, 0,1% và19,9%. Trường có khuôn viên rộng 6,5 ha tại số 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Và được xem là trường quốc tế có mức học phí đắt đỏ nhất TPHCM. Mức học phí từ bậc Tiểu học đến THPT dao động từ 512 triệu đồng đến 724 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.