Công thức của hòa bình

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine đề xuất một 'công thức hòa bình' cho cuộc xung đột suốt mấy năm qua, nhưng giới chức Nga khẳng định không quan tâm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky đề xuất một “công thức hòa bình” cho cuộc xung đột suốt mấy năm qua, nhưng giới chức Nga khẳng định không quan tâm và coi đây chỉ là một dạng tối hậu thư đơn thuần.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong cuộc họp báo ở Ả-rập Xê-út hôm 10/9, một lần nữa tái khẳng định việc phương Tây ủng hộ và tuân thủ “công thức hòa bình” do Ukraine đề xuất là biểu hiện cho thấy họ không có ý định đàm phán nghiêm túc và bình đẳng với Nga để tiến tới chấm dứt xung đột.

Moscow coi công thức hòa bình nói trên là “nỗi khó chịu” vì chỉ nhằm mục đích khiến Nga phải ngồi vào bàn đàm phán khi đã chịu thất bại trên chiến trường. Chính điều này khiến Moscow coi đây là “một tối hậu thư” chứ không phải đề xuất hòa bình nên không xem xét nó một cách nghiêm túc.

Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng Ukraine và phương Tây đã bỏ qua yếu tố quan trọng khi nói chuyện đàm phán hòa bình, đó là Nga không quan tâm đến lãnh thổ của nước khác mà chỉ mong muốn những người vốn là một phần của văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo Nga phải được đối xử bình đẳng và nhân đạo.

Đây là tuyên bố mới nhất của giới chức Nga về “công thức hòa bình” mà Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky đã đề xuất từ tuối năm 2022 khi cuộc xung đột mới diễn ra được vài tháng. Trong đó nổi bật có một số điểm như yêu cầu Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường chiến sự.

Nga liên tục coi đây là những yêu cầu phi thực tế của Ukraine nên chỉ chấp nhận đàm phán dựa trên tình hình thực địa chiến trường, chứ không phải các điểm trong đề xuất nói trên. Trong khi đó, phương Tây kiên định ủng hộ “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hòa bình xoay quanh các điểm chính của đề xuất này.

Các hội nghị nói trên có nhiều nước phương Tây tham gia nhưng lại không có Nga, do đó kết quả đạt được gần như không có tác động gì nhiều tới thực tế cuộc xung đột. Trước thềm hội nghị được tổ chức ở Thụy Sỹ hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đưa ra một kế hoạch chấm dứt xung đột của riêng mình.

Trong đó, Nga sẵn sàng mở ngay các các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu Kiev rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga, Ukraine cam kết giữ nguyên trạng thái trung lập không tham gia NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời các nước phương Tây phải dỡ bỏ hàng nghìn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, cả phương Tây và Ukraine đều ngay lập tức bác bỏ “công thức hòa bình” do Tổng thống Nga Putin đề xuất. Ông Putin sau đó cho biết không ngạc nhiên về quan điểm này và khẳng định việc Moscow phải rút quân theo yêu cầu của Ukraine và phương Tây sẽ không bao giờ xảy ra.

Như vậy cùng lúc cả Nga và Ukraine đều đưa ra các “công thức hòa bình” của riêng mình làm tiền đề để bước vào đàm phán. Nhưng cả hai bên đều kiên định bác bỏ đề xuất của đối phương và giữ nguyên công thức của mình, dẫn đến việc mọi cánh cửa đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm dường như vẫn bị khép chặt.

Trong khi đó, Ukraine đang đẩy nhanh các cuộc tấn công chủ động vào lãnh thổ Nga. Trong một diễn biến mới nhất, hôm 10/9 có hàng trăm máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Moscow. Sau đó sẽ là động thái đáp trả như thường lệ của Nga và điều này đồng nghĩa hòa bình vẫn còn là khái niệm xa vời hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ