Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của công tác này vẫn là việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ giáo viên phụ trách.
Cầu nối trường học - gia đình - cộng đồng
Cô Bùi Thị Xuân Mai - giảng viên Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: Trên thế giới, công tác xã hội (CTXH) học đường được xem như một chuyên ngành sâu của CTXH. Người làm ở đây được đào tạo chuyên nghiệp, là cầu nối giữa nhà trường với học sinh, gia đình và cộng đồng để cung cấp kết nối các dịch vụ cho nhóm đối tượng này.
Nhân viên CTXH trường học hỗ trợ cho học sinh các vấn đề tâm lý, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng như phát triển năng lực cá nhân. Đối với gia đình, nhân viên xã hội trường học tham gia hỗ trợ cha mẹ học sinh hiểu được yêu cầu, sự phát triển của trẻ, tăng cường kỹ năng làm cha mẹ cũng như tiếp cận được nguồn lực cần thiết.
Một khía cạnh nữa là nhân viên CTXH hỗ trợ tích cực cho giáo viên giao tiếp với phụ huynh, học sinh hiệu quả, tiếp cận các kiến thức gia đình văn hóa cộng đồng khi làm việc với nhóm học sinh đến từ nền văn hóa khác nhau và tiếp cận nguồn lực để họ chăm sóc bản thân.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhân viên làm CTXH từ nhiều năm qua nhưng cái khó của nhiều nhà trường vẫn là vấn đề biên chế giáo viên. Cán bộ chuyên trách chưa có, chế độ phụ cấp đối với cán bộ phụ trách chưa đảm bảo để cho họ có thể chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Cho rằng nếu như có giáo viên làm CTXH chuyên trách, được đào tạo một cách bài bản sẽ rất tốt. Tuy nhiên, cô Vũ Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng: Việc này khó khăn do vấn đề biên chế. Vì vậy, nhà trường phải phân công giáo viên kiêm nhiệm, hoặc là Tổng phụ trách Đội, hoặc Bí thư Đoàn phụ trách công việc này.
Ngay khi nhận được chỉ đạo, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lý và CTXH, phân công cho các giáo viên có kinh nghiệm để cùng thực hiện. Nhà trường thông báo cho tất cả học sinh, phụ huynh về hoạt động của tổ tư vấn và ai là người chịu trách nhiệm, có địa chỉ cụ thể để khi cần thiết, học sinh có thể tìm đến.
Nhà trường cũng dành 2 phòng chuyên biệt có tên gọi: Phòng tư vấn tâm lý, phòng cân bằng cảm xúc cho học sinh. Đồng thời trường phân công các thầy cô phụ trách công tác tư vấn, giúp các em cân bằng cảm xúc khi có vấn đề về tâm lý.
Đào tạo phù hợp với nhân lực
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Công tác tư vấn tâm lý và CTXH đã được ngành triển khai từ sớm. Năm 2003, TPHCM đã đề xuất cơ chế chính sách để thành lập các bộ phận tư vấn tâm lý, CTXH cho học sinh. Năm 2012 - 2013 có quyết định thành lập bộ phận tư vấn tâm lý, CTXH trường học.
Trong đại dịch vừa rồi, hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh càng trở nên quan trọng, thể hiện vai trò uy tín quan trọng của hoạt động tư vấn tâm lý, CTXH trong nhà trường. Việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ thực hiện công tác tư vấn tâm lý cũng như hoạt động CTXH là đòi hỏi cấp thiết, và sở GD&ĐT đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để thực hiện: Từ tham mưu đến tổ chức hội thảo hội nghị, cuộc thi đưa kiến thức chăm sóc bản thân, tìm hiểu luật quy định để hoạt động cá nhân khi sinh hoạt trong môi trường học đường cũng như xã hội được an toàn, đảm bảo.
Các nhà trường cũng mở rộng quy mô đào tạo và các ngành nghề liên quan đến CTXH. Việc đào tạo này đáp ứng yêu cầu của ngành GD-ĐT cũng như nội dung kiến thức thực tế bám sát với chủ trương chính sách từ Trung ương đến địa phương.
CTXH ngày càng có vai trò quan trọng nhằm phát hiện, tư vấn giúp học sinh có cách giải quyết phù hợp các vấn đề xảy ra trong học tập và cuộc sống, giảm thiểu bạo lực học đường và các tác động tiêu cực khác có thể xảy ra. Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Thị Thúy Liễu - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hải Phòng) nhận định: Qua thực tế triển khai, còn có những khó khăn như chưa có biên chế cho nhân viên CTXH ở các nhà trường, vì vậy cán bộ CTXH trường học hầu như chỉ là cán bộ kiêm nhiệm. Hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực thực hiện các nhiệm vụ CTXH trường học nhiều nơi thực hiện chưa hiệu quả.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm thực hiện CTXH trường học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp hiệu quả với ngành Giáo dục trong công tác tư vấn tâm lý, CTXH.