Xây dựng mô hình đào tạo công tác xã hội trường học ở Việt Nam

GD&TĐ - “Định hướng xây dựng mô hình đào tạo công tác xã hội trường học ở Việt Nam” là chủ đề hội thảo do Trường ĐHSP Hà Nội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội.

Hội thảo Định hướng xây dựng mô hình đào tạo công tác xã hội trường học ở Việt Nam tổ chức tại Trường ĐHSP Hà Nội ngày 26/12
Hội thảo Định hướng xây dựng mô hình đào tạo công tác xã hội trường học ở Việt Nam tổ chức tại Trường ĐHSP Hà Nội ngày 26/12

Đề cập đến tầm quan trọng của công tác xã hội trường học, ông Nguyễn Văn Trào - Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - dẫn báo cáo nghiên cứu được Bộ GD&ĐT kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 20/12/2016: Bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất của trường phổ thông hiện nay.

Bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh khi thầy cô vẫn được coi là "cha mẹ" với quyền lực lớn, là trung tâm của trường học. Đôi khi có hành vi bạo lực ngược lại từ học sinh đối với thầy cô giáo.

“Những vấn đề của trường học đang đặt ra vấn đề phải có những nhân viên công tác xã hội chuyên trách trong các nhà trường để hỗ trợ học sinh cả về tâm lý, hướng nghiệp, sức khỏe, giới tính, phát triển kỹ năng sống, giá trị sống cần thiết cho các em” - ông Trào khẳng định.

TS. Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội tại Việt Nam - cũng đồng quan điểm và cho rằng, các vấn đề xã hội của học sinh, sinh viên tạo nên gánh nặng tâm lý, sự căng thẳng về tâm lý, khủng hoảng về tâm lý ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển bình thường của học sinh, sinh viên; chính vì vấn đề này mà cần đến công tác xã hội trường học, cần đến tư vấn tâm lý trường học…

Tuy nhiên, sự phát hình thành và phát triển của bất cứ một chuyên ngành/ tiểu chuyên ngành đào tạo hay một nghề/ tiểu nghề cũng cần có những điều kiện nhất định, nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất cứ một người nào hay một tổ chức nào.

Đối với công tác xã hội trường học ở Việt Nam, TS Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng xã hội về công tác xã hội trường học, phải tạo nên cung - cầu của thị trường về dịch vụ công tác xã hội trường học mà cung- cầu phải song hành.

Bên cạnh đó, phải tạo được khung khổ pháp lý phù hợp cho việc phát triển công tác xã hội trường học bảo gồm cả công tác đào tạo về công tác xã hội trường học và phát triển dịch vụ công tác xã hội trường học; cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đào tạo tiểu chuyên ngành công tác xã hội trường học. Cuối cùng, cần chuẩn bị những điều kiện cho việc phát triển dịch vụ công tác xã hội trường học /tham vấn trường học…

Từ thực tế hoạt động tham vấn học đường ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường - đề xuất mô hình tham vấn học đường trong trường học Việt Nam hiện nay với 3 phương án: Chính phủ tích cực giải quyết như một chương trình quốc gia; Thực hiện xã hội hóa các trường tự lực triển khai; Dựa vào biên chế nhân viên công tác xã hội ở các phường, xã.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình công tác xã hội trường học trên thế giới để làm cơ sở xây dựng, phát triển mô hình công tác xã hội trường học ở Việt Nam; thảo luận về xây dựng chương trình đào tạo và phát triển lĩnh vực công tác xã hội trường học ở Việt Nam; chia sẻ, thảo luận, góp ý cho bộ tài liệu chuyên sâu về công tác xã hội trường học do khoa Công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội biên soạn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ