Thách thức xây dựng mô hình công tác xã hội trường học

GD&TĐ - Trong khi việc giúp học sinh “hạ nhiệt” về tâm lý đang trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay thì phát triển đội ngũ thực hiện chức năng này trong trường học đang gặp vô vàn khó khăn.

Thách thức xây dựng mô hình công tác xã hội trường học

Ông Nguyễn Hiệp Thương - Trưởng khoa CTXH (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này.

Chưa trường nào có mã ngành đào tạo về CTXH trường học

- Hiện nay đã có một số văn bản, chính sách là cơ sở để phát triển nghề CTXH ở Việt Nam. Đặc biệt, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, liên quan đến chính sách, cơ sở pháp lý những người trong cuộc vẫn kêu khó?

Đúng là hiện nay đã có một số văn bản, chính sách là cơ sở để phát triển nghề CTXH ở Việt Nam tiêu biểu là Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Sau gần 4 năm triển khai, Đề án này đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Cũng trong năm 2010, Thông tư 08 của Bộ Nội vụ quy định về mã ngạch viên chức CTXH; tháng 8/2015 Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH trong đó quy định chi tiết về tiêu Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành CTXH cũng như tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp CTXH.

Ông Nguyễn Hiệp Thương - Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) 

Bộ GD&ĐT đã ban hành mã ngành đào tạo năm 2004 và hiện nay có hơn 40 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo ngành CTXH, trong đó có một số cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ GD&ĐT cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Đề án 32 để triển khai các hội thảo liên quan đến mảng CTXH trong lĩnh vực giáo dục.

Trong những năm qua, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động trợ giúp trong trường học, Bộ GD&ĐT đã rất tích cực triển khai các văn bản liên quan đến tư vấn, tham vấn học đường - một nhiệm vụ của nhân viên CTXH trường học.

Nhưng cho đến nay, chưa có nhà trường nào có mã ngành đào tạo về CTXH trường học kể cả cử nhân và sau ĐH; cũng chưa có Luật CTXH hay Luật nghề CTXH, chưa có Nghị định về CTXH nói chung, CTXH trường học nói riêng.

Mặc dù đã có thông tư liên tịch về quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH nhưng do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động tinh giản biên chế vẫn được triển khai khắp các lĩnh vực nên rất khó khăn cho việc triển khai thêm biên chế cho nhân viên CTXH nói chung, nhân viên CTXH trường học nói riêng.

Hầu như không có đội ngũ giảng viên đầu ngành về CTXH

- Là người làm công tác quản lý đào tạo về CTXH, ông nhận định như thế nào về đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình liên quan đến CTXH trường học trong các trường ĐH hiện nay?

Liên quan đội ngũ ngũ giảng viên giảng dạy lý thuyết về thực hành về CTXH trường học, Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên: “Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến” .

Tuy nhiên, trên thực tế đội ngũ giảng viên đầu ngành về CTXH hầu như không có bởi vì giảng viên ngành CTXH chủ yếu là giảng viên từ các ngành Xã hội học, Tâm lý học, giáo dục chính trị, giáo dục đặc biệt, luật học, hành chính học,... đi học các lớp ngắn hạn về giảng viên nguồn sau đó trực tiếp giảng dạy, kể các các giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành CTXH cũng không phải là những tiến sĩ, PGS, GS chuyên ngành CTXH.

Chưa kể, một số giảng viên ngành CTXH của các trường năng lực chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và trình độ tin học còn hạn chế; tỷ lệ giảng viên CTXH có học vị, học hàm thấp cũng là khó khăn, thách thức không nhỏ trong đào tạo CTXH nói chung, CTXH trường học nói riêng.

Về chương trình đào tạo, hiện nay cả nước đã có hơn 40 trường được phép đào tạo ngành CTXH, nhưng chủ yếu là đào tạo chương trình đào tạo CTXH chung, chưa có trường nào có chuyên ngành đào tạo CTXH trường học, mặc dù đã có một số trường có định hướng sẽ đào tạo chuyên ngành này là Khoa CTXH, Trường ĐHSP Hà Nội, Khoa Xã hội học – Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chương trình đào tạo cử nhân bậc ĐH, CĐ thậm chí là sau ĐH của trường ĐH, CĐ ở Việt Nam những năm qua đã có học phần CTXH trường học được đặt với những cái tên hơi khác nhau. Việc giảng dạy học phần này cũng có sự khác nhau nhất định về nguồn tài liệu cũng như cách thức tiếp cận.

Nhầm lẫn vai trò của nhà tham vấn học đường với nhân viên CTXH

- Hiện nay ở nhiều trường phổ thông có đội ngũ làm nhiệm vụ tham vấn học đường. Đội ngũ này có phải chính là đang làm CTXH trong trường học hay không?

Để mô hình CTXH trường học thực sự được vận hành thì việc nâng cao chất lượng cơ sở thực hành trong quá trình đào tạo mã ngành này là rất quan trọng. Tuy nhiên có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong đó có nhận thức của những nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên phổ thông về mô hình CTXH trường học, nhiều người họ chưa biết CTXH là gì? CTXH trường học là gì? Họ nhầm lẫn vai trò của nhà tham vấn học đường với nhân viên CTXH.

Vì hiện nay chưa có mã ngành đào tạo CTXH trường học mặc dù một số trường họ cũng đã tiếp nhận và ký hợp đồng với những sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH. Nhưng do kiến thức, kỹ năng được đào tạo quá chung dẫn đến các em gặp không ít khó khăn trong đảm nhiệm công việc cũng như phát huy được vai trò của mình với tư cách là một nhân viên CTXH trường học chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, khi tiến hành đào tạo mã ngành CTXH trường học, việc đưa sinh viên xuống cơ sở thực hành, thực tập đóng vai trò cốt yếu, đảm bảo việc “rèn tay nghề” cho sinh viên vì thế sự hỗ trợ của đội ngũ kiểm huấn viên tại cơ sở là rất quan trọng.

Tuy nhiên, do các trường phổ thông hầu như chưa có nhân viên CTXH trường học nên gặp rất nhiều thách thức trong việc hỗ trợ sinh viên thực hành, thực tập.

Hiện nay, mô hình phòng CTXH trường học đã được triển khai ở một số trường phổ thông từ các địa phương, tuy nhiên mới chỉ dừng ở việc thành lập một cách tương đối tự phát, chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT về điều kiện thành lập mô hình CTXH trường học ở các địa phương.

Giải pháp triển khai mô hình CTXH trường học đại trà vào thực tiễn

- Với rất nhiều những khó khăn như vậy, theo ông phải làm thế nào để có thể xây dựng mô hình CTXH trường học ở Việt Nam?

Xin chia sẻ những công việc Khoa CTXH (Trường ĐHSP Hà Nội) đang thực hiện. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng xong khung chương trình và đề cương sơ lược các học phần của ngành “CTXH trường học” và theo lộ trình đến năm 2017 sẽ trình Bộ GD&ĐT cho phép mở mã ngành đào tạo “CTXH trường học” tại trường.

Khoa CTXH cũng kết nối các tổ chức phi chính phủ để hoàn thiện các giáo trình, đề cương chi tiết các môn học thuộc Chương trình CTXH trường học. Theo dự kiến của chúng tôi, khoảng năm 2017 sẽ có ít nhất 1 giáo trình, nhiều đề cương chi tiết và tập bài giảng hoàn thiện để có thể sử dụng để đào tạo ngay.

Để phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy CTXH học đường, bên cạnh việc cử cán bộ đi học tiến sĩ chuyên sâu về CTXH trường học, Khoa CTXH cũng chú trọng việc mời các chuyên gia cao cấp ở nước ngoài tập huấn cho đội ngũ giảng viên của Khoa và của các trường có đào tạo CTXH trường học.

Dựa trên việc đánh giá mô hình phòng tham vấn học đường tại trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cuối năm 2016, Khoa CTXH sẽ phối hợp với Khoa Tâm lý – Giáo dục của nhà trường xây dựng Đề án về việc phát triển phòng tham vấn học đường của trường thành phòng CTXH học đường, trong đó có mở rộng về chức năng, nhiệm của và nhân lực làm việc tại phòng CTXH trường học vào năm 2017.

Đây không chỉ là mô hình để phục vụ cho việc hỗ trợ trực tiếp học sinh THCS, THPT mà còn là cơ sở thực hành uy tín, có kiểm huấn viên hỗ trợ cho việc đào tạo ngành CTXH trường học của Trường ĐHSP Hà Nội.

Trước mắt để triển khai mô hình CTXH trường học đại trà vào thực tiễn, Khoa CTXH đề nghị có một mô hình CTXH bán chuyên nghiệp thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, nhân viên làm việc tại phòng CTXH là nhưng sinh viên đang học CTXH và dành thời gian thực hành tại phòng hoặc cử nhân tốt nghiệp đại học ngành CTXH tại Trường ĐHSP làm nhân viên tại Phòng CTXH trường học.

Thứ hai, tiến hành tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng CTXH trường học cho nhóm nhân viên này.

Thứ ba, đề xuất các trường THCS, THT ký kết hợp đồng lao động có thời hạn để đánh giá hiệu quả của các nhân viên CTXH tại phòng CTXH trường học.

Trên cơ sở mô hình bán chuyên nghiệp này, chúng ta sẽ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ sung thêm mảng về phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực trường học, Bộ GD&ĐT sớm có văn bản, chính sách liên quan đến thành lập phòng CTXH trường học, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư về chức danh nghề nghiệp của nhân viên CTXH trường học,... để muộn nhất đến năm 2025 chúng ta sẽ có mô hình chuyên nghiệp về CTXH trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ