Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cùng đại diện thanh tra 63 Sở GD&ĐT trên cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Tống Duy Hiến - Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT- cho biết: Công tác kiện toàn đội ngũ thanh tra trong ngành năm học vừa qua đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, một vài Sở GD&ĐT số lượng thanh tra hiện có chưa đáp ứng đủ nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT nêu ý kiến với các đại biểu trước phần thảo luận |
Đặc biệt, hoạt động tổ chức thanh tra của các Sở GD&ĐT được thực hiện rất tốt và bám sát với 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp mà ngành đã đề ra. Năm học 2018 - 2019, các sở GD&ĐT đã tổ chức 1.089 cuộc thanh tra (trong đó: thanh tra hành chính 312 cuộc; thanh tra chuyên ngành 704 cuộc; thanh tra đột xuất 73 cuộc). Phát hiện và xử phạt hành chính khá nhiều vụ việc (11 Sở GD&ĐT ra văn bản) với số tiền buộc thu hồi hàng trăm triệu đồng.
Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và các loại đơn thư khác theo quy định được lực lượng thanh tra ngành giáo dục tập trung thực hiện. Theo báo cáo từ các Sở GD&ĐT và theo dõi xử lý đơn của Thanh tra Bộ, năm học 2018-2019, các Sở GD&ĐT đã nhận 2.177 đơn, trong đó có 950 đơn không đủ điều kiện, 198 đơn thuộc thẩm quyền đã được giải quyết; 1.246 đơn không thuộc thẩm quyền đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 9 đơn thư kéo dài đã được giải quyết.
Thanh tra Bộ đã chuyển đơn đủ điều kiện, thuộc thẩm quyền của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT (38 đơn) có yêu cầu báo cáo kết quả xử lý. Các sở GD&ĐT đã xác minh và có báo cáo gửi Thanh tra Bộ theo quy định.
Tuy nhiên, còn có sở GD&ĐT chưa báo cáo hoặc chưa kịp thời đôn đốc. Điều đó dẫn đến nhiều vụ việc có đơn thư kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động của một số ít cơ sở giáo dục liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham dự hội nghị |
Dù có nhiều chuyển biến và nhiều đổi mới trong công tác kiểm tra thanh tra của lực lượng trong ngành, nhưng theo ông Tống Duy Hiến, lực lượng thanh tra tại các sở GD&ĐT vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, một phần do lực lượng còn mỏng, chưa có kế hoạch cụ thể hoặc hoạt động thanh tra còn dàn trải, chưa trọng tâm, đội ngũ thanh tra nhiều nơi yếu về kiến thức pháp luật…
Những vấn đề trên, theo ông Hiến xuất phát từ việc nhận thức về đổi mới hoạt động thanh tra trong đội ngũ cán bộ công chức và viên chức chưa sâu rộng. Cấp lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra.
Một vài nơi chưa coi công tác thanh tra là một trong các nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý giáo dục, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục.
Để giải quyết dứt điểm các tồn tại, ông Tống Duy Hiến cho biết năm học 2019-2020 Thanh tra Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Quang cảnh hội nghị của Thanh tra ngành giáo dục |
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020” với nhóm vấn đề tập trung như: công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; công tác tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm, học thêm, công tác thu chi đầu năm học; thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhất là việc cấp, phát quản lý văn bằng, chứng chỉ; hoạt động liên kết đào tạo; tư vấn du học…
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - yêu cầu thanh tra viên các cơ sở cần đi sâu, đi vào căn cốt của các vấn đề nóng bỏng mà xã hội đã và đang bức xúc. Cùng bàn thảo, đi sâu vào bản chất của các vấn đề mà công tác thanh tra chúng ta nhìn thấy khi thanh tra như: lạm thu, liên kết đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ… để từ đó có các giải pháp thực hiện tốt hơn việc đổi mới hoạt động thanh tra của ngành.
Lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT tại hội nghị |