Chấn chỉnh tình trạng có quá nhiều loại sách tham khảo

GD&TĐ - Cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sách tham khảo dành cho các cấp học, đặc biệt là bậc phổ thông. Điều này khiến cho phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn sách cho con. Trong khi đó, có nhiều loại sách tham khảo không đảm bảo chất lượng, có nội dung không phù hợp. Đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc biên tập, xuất bản sách tham khảo dùng cho giáo dục phổ thông do các đơn vị nhà xuất bản chủ động thực hiện. Các hoạt động biên tập, xuất bản này được điều chỉnh bởi Luật Xuất bản và sự điều tiết của thị trường. Việc lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo (trong đó có sách tham khảo dùng cho các cấp học) hoàn toàn do học sinh, phụ huynh học sinh quyết định.

Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quản lý và sử dụng xuất bản phẩm sách tham khảo, cụ thể:

Ngày7/7/2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư này quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo; lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cấp trong việc lựa chọn, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra. Hằng năm, Bộ GD&ĐT có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngày 24/9/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, theo đó đã yêu cầu:

Giám đốc các sở GD&ĐT: Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương; phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng sách giáo khoa và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm;

Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập, báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa trước khi tái bản;

Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT: Chủ động nắm tình hình và xây dựng kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này ở các địa phương. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra giáo dục các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Hằng năm, Bộ GD&ĐT có các đoàn kiểm tra, thanh tra đối với một số địa phương trong đó có nội dung nêu trên. Qua đó yêu cầu địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục có các đoàn thanh tra, kiểm tra nội dung này để chấn chỉnh các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để chấn chỉnh tình trạng trên thị trường có quá nhiều loại sách tham khảo không đảm bảo chất lượng, có nội dung không phù hợp như ý kiến cử tri nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ