* Thưa ông, công tác chấm thi của địa phương đang được triển khai, thực hiện như thế nào?
- Sau khi kết thúc khâu coi thi, chúng tôi tiến hành triển khai công tác chấm thi. Cụ thể ngay trong buổi chiều 27/6, ngay sau khi kết thúc thi, Ban thư ký đã tiến hành thu bài thi tại nơi làm việc và cách lý của Ban làm phách bài thi.
Khu vực chấm thi được được tách biệt hoàn toàn với đầy đủ các điều kiện tổ chức từ khâu chấm thi tự luận cho đến chấm thi trắc nghiệm. Các thiết bị máy tính, máy in, máy photocopy và máy chấm thi trắc nghiệm đảm bảo còn hoạt động tốt. Sở cũng đã huy động 70 người tham gia làm nhiệm vụ chấm thi.
Trước khi tiến hành chấm thi, chúng tôi quán triệt cán bộ, giáo viên phải thực hiện nghiêm túc quy chế và thực hiện đúng quy trình theo quy định. Đối với giáo viên tham gia chấm thi đã được hướng dẫn cách chấm một cách cụ thể để các thầy, cô có cơ sở khi thực hiện chấm bài thi.
* Một trong những yếu tố quan trọng của công tác chấm thi đó là khâu làm phách. Vậy Sở đã triển khai công việc này như thế nào - thưa ông?
- Bắc Kạn áp dụng phương án đánh phách 1 vòng. Chúng tôi thực hiện theo đúng quy chế. Đội ngũ làm phách được cách ly triệt để cho đến khi chấm xong thì mới được ra ngoài. Ban làm phách thực hiện nghiêm túc từ khâu niêm phong túi bài thi; kiểm tra các chữ ký trên tem niêm phong, rồi sau đó mới tiến hành mở túi đựng bài thi để tiến hành làm phách.
Ban làm phách bài thi gồm 5 thành viên, có 1 cán bộ thanh tra và 2 công an tham gia bảo vệ. Khu vực làm phách được bố trí luôn tại địa điểm in sao đề thi vừa xong. Nói chung mọi việc đều được thực hiện theo đúng quy trình và quy định.
Ông Đoàn Văn Hương – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kan |
* Lâu nay, dư luận vẫn còn băn khoăn tính nghiêm túc, công minh về kết quả chấm thi ở địa phương, nhất là đối với môn tự luận. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đối với Bắc Kạn chúng tôi không lo lắng việc này vì tất cả các thầy, cô giáo đều có nhiều năm kinh nghiệm chấm thi.
Chúng tôi đã dành gần 1 ngày để làm công tác hướng dẫn công tác chấm thi cũng như phổ biến, quán triệt quy chế cho cán bộ tham gia chấm thi. Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ từng câu, từng phần trong các đáp án biểu điểm; sau đó thống nhất trong toàn bộ cán bộ chấm thi và cán bộ chấm kiểm tra.
Trên cơ sở đó chấm chung 10 bài để có sự thống nhất cao về cách cho điểm từng phần, từng ý của từng câu hỏi trong đề.
Mặt khác, riêng tổ chấm bài thi tự luận được chia thành 2 nhóm (mỗi nhóm 15 người) để đảm bảo cán bộ chấm thi không chấm bài thi của học sinh trường mình. Và mỗi nhóm có 2 phòng chấm độc lập dành cho cán bộ chấm thi 1 và 2, các nhóm được bố trí ở các tầng khác nhau (4 phòng).
Ngoài ra, theo quy chế còn có tổ chấm kiểm tra. Tổ này gồm 5 người, là giáo viên THPT có nhiều kinh nghiệm, tổ trưởng là Phó trưởng Ban chấm thi.
Tổ được bố trí 2 phòng dành cho 2 lần chấm thi độc lập, việc tổ chức chấm kiểm tra được thực hiện song song với chấm thi, sau khi có túi bài thi đã chấm xong, tổ chấm kiểm tra lấy ngẫu nhiên bài thi từ Ban thư ký để chấm kiểm tra, kết quả chấm kiểm tra được tổng hợp và báo cáo theo từng buổi cho Trưởng ban chấm thi.
Đối với các môn thi trắc nghiệm được thực hiện chấm bằng máy. Thí sinh cứ làm đúng là "ăn điểm".
Với những giải pháp như trên, việc chấm thi và kết quả thi của thí sinh hoàn toàn công bằng, khách quan và chúng ta hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
* Ngay sau công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018, Sở GD&ĐT Bắc Kạn có hướng dẫn hoặc hỗ trợ gì đối với thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng?
- Theo quy định, từ ngày 19/7 đến hết ngày 26/7, thí sinh sẽ được quyền thay đổi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo đó, chúng tôi đã chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị phòng máy vi tính và cử giáo viên hướng dẫn thí sinh khi các em có nhu cầu thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Năm ngoái, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã thực hiện theo phương án này, do đó, chúng tôi tin là năm nay sẽ không gặp phải khó khăn gì trong quá trình hỗ trợ các em thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Xin cảm ơn ông!