Công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới

Công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới
Du khách tham quan Hoàng thành
Du khách tham quan Hoàng thành

Đây là tin vui lớn với không chỉ người dân Hà Nội và là niềm vui chung của cả nước. Càng trở nên ý nghĩa  hơn khi cả dân tộc chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Ủy ban di sản Thế giới (WHC) công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa Thế giới dựa trên 3 tiêu chí.

Trước hết, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.

Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Tiếp đó, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm.

Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.

Ngoài ra, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ.

Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS và đến nay đã được Ủy ban di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Việc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt, là sự tri ân công đức với các vị tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Những Khuyến nghị về công tác quản lý:

a. Tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc trước thời Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

b. Thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, Đông và Nam khu di sản.

c. Hoàn chỉnh và phê duyệt kế hoạch quản lý cùng các chương trình cụ thể liên quan đến quản lý và thực hiện kế hoạch quản lý song song với tất cả các chương trình nhỏ nằm trong kế hoạch đó.

d. Bổ sung chương trình giám sát chi tiết vào kế hoạch quản lý, phù hợp với định hướng chung đề ra trong hồ sơ đề cử.

e. Có kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của những người tham gian công tác bảo tồn di sản.

f. Có kế hoạch giám sát số lượng khách du lịch có khả năng tăng rất nhanh trong thời gian tới.

Kiên Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Không có chuyện S-400 đến Kiev'

GD&TĐ - Theo Forbes, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều vừa tái khẳng định, không có chuyện họ gửi những hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 cho Ukraine.
Minh họa/INT

Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.