Công nhân đi hay ở lại?

GD&TĐ - Hàng chục nghìn công nhân rời TPHCM và các tỉnh lân cận để tránh dịch Covid-19 cách đây không lâu, nay đang đứng trước sự chọn lựa: Trở lại nơi từng làm việc hay ở lại quê?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hàng trăm nhà máy ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã hoạt động trở lại với công suất ngày một tăng dần tùy theo số lượng công nhân tham gia sản xuất. Những tháng cuối năm sẽ cấp tập các đơn hàng xuất khẩu nên việc “khát” công nhân là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy yên tâm khi quyết định quay trở lại nhà máy cũ, trong khi nhiều nhà máy trên chính quê hương của mình cũng rộng cửa tuyển người.

Chẳng hạn như các nhà máy ở Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp khác của Quảng Ngãi đang có nhu cầu tuyển dụng 10 nghìn công nhân từ nay đến cuối năm - con số quả là hấp dẫn với nhiều người. Đây cũng là con số tuyển dụng chưa từng có từ trước đến nay ở địa phương này.

Tình hình dịch Covid-19 không chỉ được kiểm soát ở TPHCM và các tỉnh phía Nam mà hầu như địa phương nào cũng rất chú trọng đến việc kiểm soát dịch ở các khu công nghiệp càng sớm càng tốt. Hầu hết công nhân đã được tiêm hai mũi vắc-xin nên các nhà máy mạnh dạn tuyển người, tăng ca để kịp các đơn hàng cuối năm.

Hơn nữa, không ít nhà máy tranh thủ sự lưỡng lự của nhiều công nhân là quay lại TPHCM hay ở lại quê nhà, để họ tuyển dụng. Vì số công nhân này đã thạo việc, khỏi phải đào tạo lại như số mới học việc. Nhiều hợp đồng xuất khẩu đã bị phá vỡ do dịch nên các nhà máy muốn tăng tốc cuối năm để bù đắp thiếu hụt đó.

Chỗ nào cũng mời gọi một cách hấp dẫn, trong lúc vừa trải qua những tháng khó khăn do lánh dịch nên không ít công nhân đang đứng trước các lối rẽ để cân nhắc thiệt hơn. Có lẽ tùy theo hoàn cảnh mà mỗi người sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất để tiếp tục đi miền Nam hoặc ở lại quê nhà. Vì đi hay ở lúc này đều có những mặt mạnh, mặt yếu của nó.

Đối với những công nhân đã có gia đình và nhà ở tương đối ổn định trong Nam thì việc trở lại nhà máy cũ là điều không phải bàn. Nhưng đối với những công nhân chỉ làm vài ba năm, công việc chưa thật sự ổn định, lại độc thân nữa thì việc chọn lựa lúc này là hết sức khó khăn.

Ở lại cũng có cái hay của nó. Hay nhất là được gần gũi gia đình, không còn cảnh ăn nhờ ở đậu trong những khu nhà trọ chật chội nóng bức. Nếu chẳng may xảy ra các sự cố tương tự như dịch Covid vừa rồi thì việc hồi hương trong khốn khổ sẽ không tái diễn.

Nhưng điều lo lắng nhất với họ là, những nhà tuyển trạch ở quê nhà sẽ thỏa thuận về lương và các khoản thu nhập như thế nào? Chắc chắn lương sẽ không bằng các nơi mà họ từng làm việc, song tính toán chi li thì thu nhập cao mà giá cả đắt đỏ vẫn không bằng thu nhập vừa phải nhưng “ăn cơm nhà mẹ nấu”.

Bài toán đi hay ở lại đang được cân nhắc. Các nhà máy thì mở đợt tuyển công nhân chưa từng có. Chỉ mong các bạn công nhân sẽ tìm ra lối thoát cho mình sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ