Để khởi động lại hoạt động sản xuất trong bối cảnh mới, cũng như thực hiện chính sách giữ chân người lao động, TP đang lên kế hoạch xây 300.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân.
Thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân
Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng cho các đô thị tập trung đông công nhân như TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước hiện đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.
Trong đó, đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, các tỉnh, TP đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ với tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ với tổng diện tích 6,7 triệu m2.
Tuy vậy, số lượng nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn rất ít so với nhu cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao, do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.
Lý giải cho vấn đề này, Bộ Xây dựng nhận định nguyên nhân chính là chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân. Bởi lẽ, theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.
Đây có lẽ là nguyên nhân khiến TP Hồ Chí Minh vẫn đang rất khan hiếm nhà ở cho công nhân. Số liệu khảo sát về tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân của Sở Xây dựng TP mới đây cho thấy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê là 1.699.000 người, trong đó, có 886.000 công nhân.
Tuy nhiên, số lượng nhà ở cho công nhân của TP hiện chỉ mới đạt được rất thấp. TP Hồ Chí Minh hiện có 22 khu công nghiệp, khu chế xuất và 2 khu công nghệ cao, khu phần mềm Quang Trung với 420.000 công nhân.
Tuy vậy, từ năm 2016 - 2020, TP chỉ phát triển được thêm 14.954 căn nhà xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm. Tính đến năm 2020, TP có hơn 18.000 căn nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra trước đó là phát triển 20.000 căn.
Mục tiêu 300.000 căn nhà trong 1 năm?
Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng nghiên cứu để thúc đẩy việc xây nhà ở cho công nhân.
Chia sẻ về mục tiêu này, ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết sau đợt dịch Covid-19 lãnh đạo TP đã nhận ra nhiều vấn đề, trong đó có việc phải gấp rút xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, thuê mua, không thể để một căn nhà 20 m2 mà 5 - 6 người ở.
“Theo kế hoạch, trong vòng 1 năm các doanh nghiệp xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân, cho chuyên gia. Hiện nay, đất đã có sẵn, thủ tục có sẵn, các doanh nghiệp chỉ cần thần tốc về thủ tục hành chính là có thể tiến hành”, ông Bình thông tin.
Theo ông Bình, trước mắt TP Hồ Chí Minh đã giao TP Thủ Đức rà soát và dự kiến quy hoạch xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân tại 3 vị trí trong khu công nghệ cao. Vị trí 1 là khu đất rộng hơn 3ha tiếp giáp khu công nghệ cao tại phường Long Thạnh Mỹ, số người dự kiến lưu trú khoảng 5.000 người.
Vị trí 2 là khu đất rộng quy mô 42,39ha, thuộc dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia, đáp ứng được gần 42.000 người lưu trú. Vị trí 3 là khu đất rộng 45,5ha, thuộc dự án xây dựng và phát triển Khu Công viên Sài Gòn Silicon, đáp ứng cho 34.624 công nhân lưu trú. Tổng quy mô khoảng 82.000 người.
Giai đoạn tiếp theo là triển khai xây 300.000 căn nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh. Khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh sẽ được giao cho Sở Xây dựng cùng nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân.
Theo nhiều chuyên gia, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng các khu lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân là vốn và quỹ đất. Theo các chuyên gia, cần có những chính sách cụ thể về vốn để hỗ trợ các DN triển khai dự án. Riêng về quỹ đất thì Nhà nước và địa phương trực tiếp tháo gỡ.
Đó là lý do UBND TP vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại, để tìm quỹ đất cho mục đích xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia đô thị học cho rằng mục tiêu là đúng đắn nhưng quan trọng là nguồn lực nào để TP Hồ Chí Minh thực hiện cho hiệu quả. Nếu TP lấy tiền từ ngân sách, chấp nhận bù lỗ, mọi chuyện được coi là ổn trong giai đoạn xây dựng ra sản phẩm; nhưng còn chuyện quản lý, duy trì nó lâu dài không hề dễ.
“Một điều có thể thấy được là TP Hồ Chí Minh sẽ không lấy ngân sách công, vì không có khoản tài chính lớn như thế, mà phải xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Chính phủ và chính quyền TP sẽ dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư, có thể miễn giảm tiền thuê đất, các loại thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ về pháp lý… nhưng việc hấp dẫn nhà đầu tư cho loại hình này rất khó.
Bởi theo quy định, khi xây dựng nhà cao tầng, chủ đầu tư phải bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu của Bộ Xây dựng, phải có thang máy, vật liệu xây dựng đạt chuẩn, các quy chuẩn xây dựng không hạ thấp như phòng cháy chữa cháy, nhà giữ xe, sân chung… Những quy định trên không nhà đầu tư nào chịu nổi”, PGS.TS Hòa nói.
Có chung góc nhìn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thời gian trả góp mua nhà ở xã hội đã được nâng lên 25 năm, số tiền trả hàng tháng cũng nhỏ hơn so với quy định 10 - 15 năm như trước đây.
Tuy nhiên, để mua được nhà, người lao động phải có khoản tiết kiệm 200 - 300 triệu đồng. Với mức thu nhập mỗi tháng chỉ 8 - 10 triệu đồng và mặt bằng giá hiện tại, phần lớn công nhân chỉ có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu chứ khó tích lũy.
“Bên cạnh câu chuyện tạo lập quỹ đất, rào cản thủ tục vẫn luôn là một chướng ngại lớn. Thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hóa, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở”, ông Châu nói.