Công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo bằng nước dừa

GD&TĐ - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh Cà Mau đã làm chủ công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo giàu dược chất và dễ ứng dụng.

Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy bằng công nghệ mới ở Cà Mau.
Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy bằng công nghệ mới ở Cà Mau.

Các nhà khoa học Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh Cà Mau đã làm chủ được công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo giàu dược chất và dễ ứng dụng.

Cấy phôi nấm trên nước dừa

Do có giá trị dược liệu cao, nấm Đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên đang bị khai thác quá mức làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu, dẫn đến việc nâng giá thành sản phẩm. Việc nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ nuôi trồng nấm Cordyceps militaris trong điều kiện nhân tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân là rất cần thiết.

Để góp phần nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm mới của địa phương, tiến tới làm chủ công nghệ trồng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trong điều kiện nhân tạo, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN tỉnh Cà Mau đã thực hiện Dự án: “Chuyển giao công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo làm nguyên dược liệu để sản xuất các loại sản phẩm có ích cho người tiêu dùng” nhằm đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Sau 16 tháng triển khai (từ tháng 2/2022 - 5/2023), các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris (một loại nấm có nhiều dược tính quý, ít được công bố), góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mở ra hướng đi mới cho phát triển ngành nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Thực hiện dự án nêu trên, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với Hợp tác xã Nông nghiệp và Ứng dụng Công nghệ cao Giọt Phù Sa để tiếp nhận quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo bằng phương pháp cấy trong phòng thí nghiệm và nuôi trong môi trường lạnh. Điều đặc biệt là nhóm sử dụng nước dừa – một loại sản phẩm đặc hữu của địa phương để làm môi trường cấy nấm.

Dự án đã sản xuất thử nghiệm 1.000 tổ nấm, trong đó đã thu hoạch được 844 tổ nấm Đông trùng hạ thảo thương phẩm, trọng lượng trung bình khoảng 129,1g/tổ.

Phân tích dược chất của nấm Đông trùng hạ thảo như hàm lượng Cordycepin, Adenosine, tổng số vi khuẩn hiếu khí, Coliforms, E.coli, Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens, Pseudomonas aeruginosa, nấm men, nấm mốc đều đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ nhiệm và cán bộ tham gia dự án đã phối hợp với đơn vị chuyển giao công nghệ tiến hành theo dõi, ghi chép, thống kê và phân tích kết quả của từng công đoạn trong quy trình công nghệ được áp dụng, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo bằng phương pháp cấy trong phòng thí nghiệm và nuôi trong môi trường lạnh.

Chuyển giao kỹ thuật cho người dân

Dự án đã sản xuất được 844 tổ nấm Đông trùng hạ thảo thuộc giống Cordyceps militaris. Nấm được kiểm nghiệm chất lượng phù hợp với quy định của Bộ Y tế, trong đó hàm lượng dược chất có tiềm năng ứng dụng lớn trong việc điều trị bệnh trong y học hiện đại và cổ truyền là Adenosine và Cordycepin.

Với cơ sở vật chất hiện có, dự kiến mỗi năm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng có thể sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh ít nhất 2.000 tổ nấm, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, với doanh thu trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm.

Dự án đã góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao của địa phương, giúp đa dạng hóa ngành nghề sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đặc biệt, dự án này còn là điểm tham quan và học tập kinh nghiệm cho các sinh viên và học sinh trên địa bàn, giúp cho các em có cái nhìn mới về việc ứng dụng KH&CN trong việc nuôi trồng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phục vụ thiết thực cho định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ nấm Đông trùng hạ thảo, trong đó có sản phẩm Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đã đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường công tác quảng bá sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chế biến sâu sản phẩm, giúp đa dạng các sản phẩm nấm với chất lượng cao, tiện dụng, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.