Hiểu đặc điểm tâm lý để đào tạo nghề phù hợp
Thạc sĩ Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, cho rằng, để trao đổi về công tác đào tạo nghề cho thanh niên, cần phân tích một số đặc điểm của lứa tuổi thanh niên hiện nay.
Theo đó, thanh niên rất năng động, nhiệt huyết, chấp nhận mạo hiểm, giàu ước mơ và hoài bão lớn, thích cái mới, thích giao lưu, học hỏi và mong muốn có những đóng góp cho xã hội để khẳng định bản thân. Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất ở lứa tuổi thanh niên là sự phát triển tự ý thức. Nhờ đó, thanh niên có những hiểu biết, thái độ, có khả năng đánh giá bản thân để chủ động điều chỉnh sự phát triển theo hướng phù hợp với xu thế xã hội.
Ở thanh niên đã bước đầu hình thành thế giới quan để nhìn nhận, đánh giá vấn đề cuộc sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày. Thanh niên bước đầu tham gia vào lực lượng lao động xã hội, nên nảy sinh nhu cầu, khát khao thành đạt. Thanh niên rất thích khám phá, tìm tòi cái mới. Đồng thời, họ thích bộc lộ những thế mạnh của bản thân, thích học hỏi, trau dồi, trang bị vốn sống, hiểu biết cho mình, dám đối mặt với thử thách để khẳng định mình.
“Một đặc điểm tâm lý nổi bật ở lứa tuổi này là tình cảm ổn định của thanh niên, trong đó phải đề cập đến tình cảm nghề nghiệp. Đây là một động lực giúp họ học tập một cách chăm chỉ, sáng tạo, khi họ thực sự yêu thích và đam mê với nghề lựa chọn”, Thạc sĩ Phạm Thị Hường nhấn mạnh.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, đặc điểm xã hội của lứa tuổi thanh niên thể hiện sự tham gia vào các mối quan hệ xã hội của thanh niên với tư cách là một chủ thể hoạt động. Với cách hiểu như vậy, thanh niên có vị trí và mối quan hệ xã hội trong gia đình, nhà trường và xã hội cũng như những đóng góp của thanh niên đối với sự phát triển lao động xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực, thanh niên còn bộc lộ sự thiếu chín chắn trong suy nghĩ, hành động, bồng bột, hiếu thắng. Đặc biệt, trong việc tiếp thu, học hỏi những chuẩn mực.
Ngày nay, trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, nền văn hóa của chúng ta có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới. Việc học tập, tiếp thu những tinh hoa, văn hóa của các nền văn hóa khác là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc điểm nhạy cảm, ham thích những điều mới lạ kết hợp với sự bồng bột, thiếu kinh nghiệm, do đó, thanh niên dễ dàng tiếp nhận cả những nét văn hóa không phù hợp.
Bà Hường thông tin, vai trò của thanh niên trong lực lượng lao động theo xu thế phát triển của khoa học công nghệ càng trở nên quan trọng và cần thiết. Hàng năm có khoảng 1,2 - 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Để có lực lượng lao động thanh niên qua đào tạo có trình độ, kỹ năng nghề, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao thì công tác đào tạo nghề là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia để hướng tới sự phát triển bền vững.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Quy mô dân số Việt Nam đạt khoảng 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động, đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế. Dân số trong độ tuổi thanh niên (người từ đủ 16 đến 30 tuổi) ước tính khoảng trên 22 triệu người, chiếm 23% dân số cả nước.
Hiện nay, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 24%. Phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp, do đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động bị lạc hậu do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.
Theo khảo sát, thị trường lao động hiện đang rất thiếu, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao thuộc nhóm ngành, nghề kỹ thuật, công nghệ. Nhu cầu học nghề của thanh niên ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cũng đang chiếm tỷ lệ cao so với các nhóm ngành, nghề khác. Tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm ngay đạt trên 90% đối với khối kỹ thuật, công nghệ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ góc nhìn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó cần khai thác thời cơ từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục nghề nghiệp để tiếp cận các chuẩn quốc tế, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại và tranh thủ các nguồn lực từ quốc tế.
Tiếp tục rà soát chỉnh sửa các văn bản hướng dẫn về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được linh hoạt, mở, chủ động trong đào tạo. Đồng thời giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách trong đào tạo, thanh kiểm tra… để các trường tập trung công tác tuyển sinh, đào tạo, quản trị nhà trường.
Cũng theo bà Hường, khó khăn lớn nhất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề thuộc nhóm kỹ thuật, các nhóm ngành nghề mà trang thiết bị chi phí cao, công nghệ hiện đại để có thể tiếp cận cách mạng 4.0. Cùng với đó là cơ chế, chính sách của từng bộ, ngành, địa phương với giáo dục nghề nghiệp có sự khác biệt. Ví dụ khác biệt về đầu tư cho các trường nghề của các cơ quan chủ quản, mức thu học phí, mức độ tự chủ, chế độ đãi ngộ cho giáo viên dạy nghề và người học nghề….
Bà Hường cho rằng, cần tăng cường giao quyền tự chủ gắn với tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần có kế hoạch, chương trình về nâng cao năng lực quản lý, đồng thời nhanh chóng đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách có liên quan tới giáo dục nghề nghiệp.