Công nghệ hay tình yêu thương?

GD&TĐ - Mấy ngày qua, cái chết tức tưởi của cậu bé 6 tuổi ở Hà Nội trên chuyến xe đến trường ngay ngày thứ hai bước chân vào lớp 1 đã chiếm trọn cảm xúc của xã hội. 

Công nghệ hay tình yêu thương?

Đau xót và đau xót thêm nữa khi từng tình tiết của sự việc được dần sáng tỏ. Vậy là sự vô tâm, tắc trách của người lớn, từ lái xe, đến giáo viên phụ trách đưa đón, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng… đã cướp đi sinh mạng của một cậu bé với những bước chân chập chững đầu đời học sinh.

Gateway hoạt động từ năm 2017, cũng giống như nhiều trường có mức học phí lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trường quản lý học sinh bằng một hệ thống phần mềm, việc kiểm đếm học sinh đến lớp hay nghỉ học mỗi ngày được thực hiện trên phần mềm này và cũng chỉ những người có phần mềm mới nắm được, ngoài ra không có cách nào khác để nắm được tình hình học sinh.

Nói như một phụ huynh của Trường Gateway, với những phụ huynh lớn tuổi, không thành thạo sử dụng smartphone thì việc cập nhật tình hình của con cháu trên lớp là rất khó khăn.

Dư luận mấy ngày qua luôn nhắc đến sự vô lý: Vô lý vì một xe ô tô 16 chỗ - không quá lớn và chỉ với 13 học sinh trên chuyến xe - không quá nhiều, mà người lớn lại bỏ quên một học sinh; vô lý vì một lớp với sĩ số không quá đông mà cô giáo chủ nhiệm lại không nhận ra thiếu một học sinh để đi hỏi, đi tìm em… Sự vô lý này sẽ trở nên có lý khi tất cả quy trình đưa trẻ đến trường được làm như một cái máy.

Lái xe đúng giờ đến điểm đón đã hẹn, có khi không nhớ và chưa chắc đã nở một nụ cười buổi sáng với những đứa trẻ. Người phụ trách đưa đón như một cái máy đếm trẻ, thiếu cháu nào là điền vào phần mềm và coi như xong nhiệm vụ. Giáo viên lên lớp thấy thiếu học sinh lại điền vào phần mềm mà quên mất rằng, việc của một giáo viên là phải nhấc điện thoại lên gọi cho phụ huynh để hỏi vì sao học sinh không đến lớp - đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương của thầy cô khi lớp học hôm nay trống một chỗ ngồi.

Sự việc ở Gateway gióng lên hồi chuông về việc quản lý việc đưa đón học sinh ở các trường học có dịch vụ này. Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nghiên cứu để có hướng dẫn, quy định cụ thể hơn các tiêu chí đối với dịch vụ đưa đón học sinh theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể, trách nhiệm các bên liên quan; các chỉ báo dán mác/màu xe… để dịch vụ này được đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho học sinh. UBND thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh trên địa bàn toàn thành phố để kịp thời chấn chỉnh.

Các biện pháp mạnh về quản lý là cần thiết nhưng sẽ là không đủ nếu trên chuyến đi và về mỗi ngày của học sinh thiếu đi nụ cười của bác lái xe; thiếu đi cảm giác trống trải của người đưa đón nếu hôm nay chuyến xe vắng một gương mặt thân quen; thiếu đi sự sốt sắng của giáo viên khi bước chân vào lớp nhìn thấy một chiếc ghế trống.

Có người nói rằng, giá như thay cái phần mềm quản lý học sinh chặt chẽ ấy bằng một góc bảng đen bình dị, trên đó ghi sĩ số lớp, số học sinh vắng mặt hôm nay và lí do các em vắng mặt… thì sẽ không có một cái chết vô lý và cảm xúc của xã hội sẽ không phải xuống đến tận cùng như mấy ngày qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ