Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong quá trình đưa, đón các em tới trường. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần trang bị và hướng dẫn các em một số kỹ năng sinh tồn nếu không may gặp phải những tình huống nguy hiểm.
Công an quận Bắc Từ Liêm đưa ra một số khuyến cáo để hướng dẫn các em học sinh xử lý trong trường hợp bị “mắc kẹt, bỏ quên” trên xe ô tô. Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đề nghị Hiệu trưởng các Trường học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm tổ chức hướng dẫn khuyến cáo này tới các em học sinh để nâng cao kỹ năng tự đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm khẳng định: “Mắc kẹt, bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín là một hành động vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, nhà trường và phụ huynh cần phải trang bị cho các em nhỏ những kỹ năng để thoát hiểm khi bị mắc kẹt trên xe ô tô”.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến phân tích thêm, khi xe bị đóng kín, khí carbon monoxide (CO) tích tụ trong xe có thể khiến người trong xe bị ngạt thở chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Bởi khi đóng cửa xe ôtô, mức oxy bên trong xe sẽ giảm. Ngược lại, sự tích tụ khí CO do rò rỉ khí thải sẽ tăng lên. Đây là một khí rất độc với máu. Gia tăng nồng độ CO trong xe sẽ làm giảm lượng Oxy đi vào máu, dẫn đến cơ thể bị sốc hoặc có thể đột ngột tử vong.
Để trang bị kỹ năng cho trẻ em khi bị mắc kẹt trong xe ô tô, Thượng tá Đỗ Anh Quyến khuyến cáo nhà trường và phụ huynh hướng dẫn các em thực hiện các bước:
- Đầu tiên, hãy dậy cho các em phải bình tĩnh trước mọi tình huống, hít một hơi thật sâu căng đầy hai phổi rồi thở ra từ từ để tận dụng không khí. Đây là một yếu tố quan trọng nhất.
- Quan sát phía bên ngoài cửa kính xem có người qua lại hay không để tìm kiếm sự giúp đỡ bằng mọi cách như: đập cửa gây tiếng động hoặc lấy các vật dụng màu sắc sặc sỡ để gây sự chú ý.
- Bấm còi xe: Hãy chỉ cho trẻ, nếu bị bỏ quên mắc kẹt trên xe ô tô, trẻ hãy di chuyển lên phía vô lăng và bấm còi xe. Hãy chỉ cho các em cách bấm còi xe bằng việc hướng dẫn thực tế trên xe. Bởi vì dù có tắt máy xe, rút chìa khóa điện còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ Ắc quy. Việc bấm còi sẽ tạo tiếng ồn và gây sự chú ý cho những người xung quanh.
- Sử dụng đèn dừng khẩn cấp: Đèn dừng khẩn cấp cũng được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Hãy chỉ cho các em nút bật cái đèn này có hình tam giác trên Tablo buồng lái. Bấm nó để bật gây sự chú ý với những người xung quanh và kết hợp với bấm còi.
- Lẫy mở khóa bên trong: Các xe ô tô khi thiết kế đều có lẫy mở khóa cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Hãy dạy các em bật lẫy này để này để mở cửa trong trường hợp cần thiết.
- Sử dụng búa thoát hiểm để đập, phá cửa kính: Búa thoát hiểm được đặt bên trong xe, búa được thiết kế có một đầu nhọn để tập trung gia lực; do đó với một lực nhỏ của các em cũng có thể đập vỡ kính, không cần qua nhiều sức. Mặt khác kính xe luôn được thết kế là kính an toàn khi vỡ không vụn, không có mảnh sắc nên không gây tổn thương cho các em. Hãy chỉ cho các em vị trí đặt búa thoát hiểm trên xe và vị trí yếu nhất của tấm kính là khu vực các góc của tấm kính.