Công nghệ giáo dục tạo ra 14 triệu việc làm trong đại dịch

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả thảm khốc ở nhiều nền kinh tế và thị trường việc làm trên toàn thế giới.

Người lao động trẻ tuổi Indonesia. Ảnh: Abd.org
Người lao động trẻ tuổi Indonesia. Ảnh: Abd.org

Tuy nhiên, một số quốc gia, trong đó có Indonesia đã vượt khó khăn tốt hơn những quốc gia khác khi tạo ra 14 triệu việc làm nhờ sự hỗ trợ của công nghệ giáo dục.

Chiến lược quan trọng để thay đổi hoàn cảnh

Một chiến lược quan trọng đối với Indonesia là tăng khả năng cho người lao động khi nước này thoát khỏi đại dịch và thúc đẩy nền kinh tế.

Indonesia đã duy trì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trên mức trung bình và năm 2022, con số đó gần như bằng mức trước đại dịch. Trong báo cáo tương lai việc làm năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, hơn 91% công ty Indonesia được khảo sát đang xoay trục để cung cấp cơ hội làm việc từ xa, hơn 80% đang tập trung vào đào tạo lại và đào tạo tại chỗ cho nhân viên.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ Indonesia vẫn thiếu các kỹ năng mà nền kinh tế cần. Là quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới, việc đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng các kỹ năng và công việc mới ở vùng sâu, vùng xa Indonesia là một thách thức.

Diễn đàn Kinh tế thế giới dự đoán đến năm 2025, 85 triệu việc làm sẽ bị thay thế do sự thay đổi trong phân công lao động giữa máy móc và con người, nhưng 97 triệu vai trò mới sẽ xuất hiện. Việc vượt qua quá trình chuyển đổi này sẽ là một thách thức đối với mọi quốc gia.

Thanh niên thất nghiệp là một thách thức đặc biệt ở nhiều nơi và Indonesia cũng không ngoại lệ. 22% thanh niên ở Indonesia được coi là NEET - không đang đi học, không có việc làm hay đang được đào tạo. Trong nhóm này, khoảng 6% có trình độ đại học. Indonesia cần làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa trường học và nhu cầu của ngành công nghiệp, đảm bảo các cá nhân và công ty đều được hưởng lợi từ việc đầu tư vào giáo dục chính quy.

Ngoài ra, hầu hết các công ty không đầu tư đủ thời gian hoặc nguồn lực vào đào tạo tại chỗ, để gánh nặng về đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho các cá nhân. Tuy nhiên, đa số người lao động cần việc làm này thường thiếu tiền để trang trải chi phí, không biết nơi đào tạo và không hiểu lợi ích của việc đào tạo đối với thu nhập của họ.

Công nghệ giáo dục có thể giúp tăng khả năng của nhiều người lao động ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Công nghệ giáo dục có thể giúp tăng khả năng của nhiều người lao động ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Chuyển đổi kỹ thuật số bằng EdTech

Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Indonesia đã triển khai Kartu Prakerja - một chương trình học tập kỹ thuật số dành cho người lớn, giúp họ có việc làm hiệu quả.

Kartu Prakerja tìm cách cung cấp kỹ năng, kiến thức và nguồn lực cần thiết cho người Indonesia từ 18 - 64 tuổi thất nghiệp và có thu nhập thấp để họ có được việc làm hiệu quả.

Những người vượt qua quá trình sàng lọc và xác minh trực tuyến sẽ nhận được 67 USD để tham gia những khóa học trực tuyến và học tại các cơ sở giáo dục. Sau đó, họ được kết nối với các khóa học từ 156 tổ chức đào tạo khác nhau trên 6 nền tảng kỹ thuật số. Tại đây, họ có thể được đào tạo dựa trên yêu cầu tìm kiếm việc làm, kinh nghiệm hiện tại và trình độ kỹ năng của mình. Họ cũng nhận được các đề xuất đào tạo phù hợp với sở thích hoặc có thể tìm kiếm những gì được cung cấp trong thư viện đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, họ nhận được chứng chỉ có thể dùng để xin việc trong ngành liên quan hoặc bắt đầu kinh doanh riêng.

Bên cạnh khóa đào tạo, người tham gia chương trình Kartu Prakerja cũng có thể tham khảo hàng trăm cơ hội việc làm. Để khuyến khích việc hoàn thành các khóa học, những người tham gia cũng nhận được 41 USD/tháng trong 4 tháng để phục vụ việc học hành.

Đến nay, Kartu Prakerja đã tiếp cận được 14 triệu người trên 34 tỉnh và 514 thành phố hoặc thị trấn của Indonesia. Trong số này, 62% sống ở các làng quê và 18% chỉ học hết tiểu học trở xuống, hầu hết chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo kỹ năng nào trước đó. Mặc dù vậy, nhiều người đã mua thêm khóa đào tạo bằng tiền của họ khi các khoản tín dụng đào tạo ban đầu hết hạn. Điều này đã làm tăng cả cung và cầu đối với các sáng kiến đào tạo lại và nâng cao kỹ năng. Các công ty công nghệ giáo dục (EdTech) phải bổ sung thêm nhiều khóa học để đáp ứng nhu cầu học viên.

Sau khi hoàn thành chương trình, người tham gia có khả năng bắt đầu công việc mới cao hơn 18% và có cơ hội khởi nghiệp kinh doanh riêng cao hơn 30%. Họ cũng trở nên thành thạo hơn trong việc tìm kiếm và chuẩn bị việc làm; 172% người tham gia có nhiều khả năng sử dụng chứng chỉ đào tạo hơn trong quá trình tìm việc làm và 10% có nhiều khả năng sử dụng Internet hơn cho công việc. Trung bình, thu nhập hằng tháng của người tham gia tăng 8,2 USD.

Thúc đẩy tham gia các hệ thống tài chính và kỹ thuật số

Kartu Prakerja là chương trình đầu tiên của Chính phủ Indonesia yêu cầu người thụ hưởng phải có tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để chuyển tiền. Điều này giúp 65% người thụ hưởng trước đây không có ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng lần đầu tiên tham gia vào hệ thống tài chính hiện đại.

Giáo dục để có việc làm là một khoản đầu tư dài hạn. Bằng cách thúc đẩy hiểu biết về kỹ thuật số và tham gia vào các hệ thống tài chính toàn diện, những người được đào tạo sẽ có năng lực cần thiết để tham gia vào các nền kinh tế số hóa nhanh chóng, tránh được khoảng cách kỹ thuật số ngày càng lớn. Những yếu tố này rất quan trọng để mở khóa tiềm năng của Indonesia và đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với các cơ hội giáo dục như là bước đệm cho một tương lai tươi sáng hơn.

Sáng kiến Kartu Prakerja của Indonesia tập hợp 200 công ty tư nhân địa phương và các cơ quan khu vực công để giúp đối phó với những cú sốc thị trường lao động và thúc đẩy tinh thần kinh doanh. Diễn đàn Kinh tế thế giới đang tìm cách khai thác sự hợp tác công - tư ở nhiều quốc gia bằng cách tập hợp các bên liên quan của chính phủ và doanh nghiệp trong Hiệp hội Việc làm.

Hiệp hội Việc làm là một liên minh gồm các nhà lãnh đạo thúc đẩy tạo việc làm tốt thông qua các cam kết cấp quốc gia và chia sẻ các phương pháp hay nhất trên toàn cầu. Hiệp hội Việc làm được xây dựng dựa trên 4 yếu tố chính giúp tạo việc làm tốt: Nâng cao tầm nhìn xa về thị trường lao động, thu hút các khoản đầu tư tạo việc làm, cải thiện chất lượng công việc và tiền lương cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và chuyển đổi công việc.

Theo Weforum

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ